Bài viết mới nhất

Xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 700 tỷ USD, đứng thứ 2 ASEAN


Xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 700 tỷ USD, đứng thứ 2 ASEAN

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 700 tỷ USD vào ngày 15/12. Đáng chú ý, Việt Nam vượt qua các nước phát triển trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, đứng vị trí thứ 2 trong khối ASEAN (chỉ sau Singapore), thông tin do Tổng cục Hải quan công bố.  

Cột mốc đáng chú ý của thủy sản

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2022 ước đạt hơn 342 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước và vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 342,21 tỷ USD tăng 13,4%; nhập khẩu ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1%.

11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 87,5 tỷ USD, tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 254,75 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 11 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 294,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.Đặc biệt, trong 11 tháng năm 2022, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có tới 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Đáng chú ý trong số “câu lạc bộ 10 tỉ USD” có thêm thành viên mới mang tên thủy sản và dự báo kết quả xuất khẩu cả năm của ngành có thể vượt 11 tỉ USD, tăng hơn 2 tỉ USD so với năm 2021.Ngành thủy sản còn đóng góp thêm nhiều cột mốc lịch sử khác như: Xuất khẩu cá ngừ đạt con số kỷ lục trên 1 tỉ USD, cá tra vượt 2 tỉ USD, tôm vượt 4 tỉ USD…; gạo 3,2 tỉ USD, sắn và sản phẩm sắn đạt trên 1,2 tỉ USD, phân bón lần đầu xuất khẩu vượt 1 tỉ USD…

Tính chung trong 11 tháng, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản ước đạt 28 tỉ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành hàng tăng trưởng ấn tượng như: Túi xách, va li, mũ, ô dù tăng 39%; hàng dệt và may mặc tăng 18,5%... Còn xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả xuất nhập khẩu trong thời gian qua là minh chứng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thống kê của Bộ Công Thương,với Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau 3 năm thực thi, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường trong khối tăng trưởng lên đến 75 - 100%. Nhóm điện thoại và linh kiện, nhóm điện tử và máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dệt may, da giày... là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang khu vực này.Còn với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tận dụng ưu đãi của EVFTA, nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam đã xuất khẩu sang EU với mức tăng trưởng cao, đặc biệt là một số nhóm hàng như: sắt thép (tăng trưởng 200%), cà phê (tăng trưởng 75,2%), hạt tiêu (tăng trưởng 55,8%).

Khó khăn đơn hàng giảm

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 53 tỷ USD, tăng 5,7% so, tiếp theo đó là thị trường EU ước đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 31 tỷ USD, tăng 19,3%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 13,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt gần 22 tỷ USD, tăng 21,2%, theo số liệu từ Bộ Công Thương.

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao, tuy nhiên, trong thời gian qua những thị trường này đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát làm cho giá cả leo thang, sức mua yếu, lượng hàng tồn kho cao. Kể từ đầu quý 4/2022, nhiều doanh nghiệp nhất là lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, thủy sản của Việt Nam đã bị tác động bởi tình trạng đơn hàng sụt giảm.

Tháng 11/2022, số liệu từ Bộ Công Thương ghi nhậntổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,58 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy lĩnh vực thủy sản dù đạt được cột mốc đáng chú ý song xuất khẩu tháng 11 tăng trưởng âm 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) trước đó đã báo cáo Thủ tướng một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.Theo Ban 4, hầu hết doanh nghiệp ở các ngành hàng đều chung nhận định, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý 4 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với kết quả quý 3. Cơ hội thị trường, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng… Nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu đến từ hai yếu tố: chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu) giảm mạnh. Ngoài ra nguyên nhân còn đến từ xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam nên chuyển sang các khu vực thị trường mới; đồng thời chú ý đến một số khu vực ít bị suy thoái kinh tế tác động như khu vực Trung Đông hay thị trường khổng lồ 1,4 tỉ dân là Trung Quốc, đang dần nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19. Việc phục hồi của thị trường này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam nhất là các lĩnh vực nông lâm thủy hải sản.Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tích cực đàm phán và ký được các nghị định thư để đưa nông sản của Việt Nam vào Trung Quốc theo đường chính ngạch, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng thị trường rộng lớn này.

Theo Tổng cục Hải quan những năm qua, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Tổng xuất nhập trị giá khẩu kim ngạch trong 20 năm (giai đoạn 2002-2021) đạt con số 5.146 tỷ USD. Riêng 10 năm (2012-2021), tổng kim ngạch đạt 4.110 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần của 10 năm về trước cộng lại.

B.H


Bài viết mới nhất

Tiêu đềHạng mụcTạo ngày
General2024-10-03 14:50:00
General2024-10-03 14:44:38
General2024-09-13 14:43:35
General2024-09-13 14:30:30
General2024-09-13 14:23:47

Tìm kiếm tất cả Bài viết

Dành cho thành viên

Tìm kiếm trang web
Nội dung

Giới thiệu nhanh

Tìm kiếm thông tin thương mại 

Hàng hóa và thuế suất

Văn bản pháp quy

Biện pháp và Tiêu chuẩn

Thủ tục

Biểu mẫu

 

Thông tin nổi bật

Hiệp định thương mại tự do

Thông tin tiếp cận thị trường 

Kho tư liệu thương mại ASEAN

Điểm hỏi đáp về SBS/TBT

 

Thông tin và bài viết 

Tin tức

Ấn phẩm

Thông báo

Trang liên kết


Hãy liên hệ chúng tôi!

Nếu không tìm thấy thông tin quý vị cần trên trang web này, xin hãy liên hệ với chúng tôi. Nhấp chuột vào đây để gửi thông điệp cho chúng tôi >>>

 

Sự kiện sắp tới