Latest articles

Trễ hẹn mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp


Trễ hẹn mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp

 

Trễ hẹn mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp
Nhiều mục tiêu của Nghị quyết 35 đã không đạt được. 

Hoàn thành 3/6 mục tiêu

Nghị quyết số 35/NQ-CP được ban hành ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, đã phản ánh tinh thần đổi mới mạnh mẽ và hành động quyết liệt của Chính phủ, coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, nhờ hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó có Nghị quyết 35, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; tỉ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên, từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.

 

Mục tiêu 2021-2025: Trung bình giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng số DN hoạt động đạt khoảng 15%/năm; tăng tỷ lệ DN vừa và lớn chiếm khoảng 5-6% trong tổng số DN vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030.

 

 

Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 35, bà Trịnh Thị Hương, Trưởng phòng Tổng hợp chính sách, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT cho biết, có 3/6 mục tiêu của Nghị quyết được hoàn thành. 99% tổng số nhiệm vụ và giải pháp có thời hạn giao cho các bộ, ngành đã hoàn thành; 100% địa phương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35, ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN; 46% tỉnh, thành phố có cam kết cụ thể về số lượng DN của địa phương đến năm 2020.

Bà Hương cũng cho biết, về bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, ở cấp trung ương, quyền tự do kinh doanh tại Hiến pháp đã được hiện thực hóa bằng hệ thống pháp luật về kinh doanh được hoàn thiện (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014, 2020; Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động…). Từ 2017- 2019, có tới gần 40 văn bản Chính phủ chỉ đạo về nội dung cải cách điều kiện kinh doanh, tập trung cắt bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh; Luật Đầu tư cũng đã bãi bỏ 21 ngành, nghề, sửa đổi 24 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện...

Từ góc độ địa phương, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM cho biết, tại TPHCM, thủ tục hành chính thành lập DN từ 9 ngày giảm xuống còn 4 ngày. 5 năm qua, số DN thành lập mới tăng gấp đôi, mỗi năm 1.200 DN được đăng ký thành lập mới, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tiếp cận về đất đai đã công khai để DN nắm bắt thông tin tại 24 quận, huyện, từ đó có thể tiếp cận đất đai tốt nhất để đầu tư. Cơ quan Hải quan cũng triển khai nhiều cải cách, hỗ trợ DN, đơn giản hoá, minh bạch hoá giúp DN thông quan thuận lợi hơn.

 

6 mục tiêu của Nghị quyết 35:

1. Đạt 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020; Khu vực tư nhân đóng góp 48-49% tư nhân đóng góp; Năng suất lao động tăng 5%/năm; 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

2. Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN.

3. Tạo dựng môi trường thuận lợi cho các DN sáng tạo và khởi nghiệp.

4. Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh.

5. Giảm chi phí kinh doanh.

6. Bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của DN.

 

 

 

 

 

Còn theo ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Giang, sau 5 năm triển khai Nghị quyết, thủ tục hành chính đã được rà soát, cắt giảm được 25-30% thời gian thực hiện. Bắc Giang đã thực hiện trung tâm hành chính công, được DN hoan nghênh.

Dù đạt được nhiều kết quả tốt, song Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai. Một số mục tiêu về phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 ví dụ như mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là chưa đạt được, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan”.

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp không cán đích

Chia sẻ về vấn đề này, bà Trịnh Thị Hương cho biết, có 3/6 mục tiêu của Nghị quyết không hoàn thành được. Trước hết là mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Hiện cả nước có 795 nghìn DN đang hoạt động. Theo bà Hương, để đạt 1 triệu DN hoạt động thì tốc độ tăng trưởng số DN hoạt động bình quân 2016-2020 cần đạt 17,7%, nhưng tốc độ thực tế chỉ đạt 14,4%. Chính sách khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN chưa đủ hấp dẫn, do đó kết quả chuyển đổi không như kỳ vọng khi xây dựng mục tiêu Nghị quyết 35.

Theo ông Trần Anh Tuấn, đến nay, số DN trên địa bàn là 440 nghìn DN, không đạt được mục tiêu 500 nghìn DN như đề ra. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù được cơ quan quản lý triển khai hỗ trợ.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Phát triển DN cũng cho biết, theo Nghị quyết 35, đến năm 2020, đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP là 48-49%. “Mặc dù chiếm đa số về số lượng nhưng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2019 chỉ dao động trong khoảng 43% GDP”, bà Trịnh Thị Hương cho biết. Mục tiêu thứ 3 không đạt được là đóng góp của khu vực tư nhân Việt Nam vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cụ thể, theo mục tiêu đề ra đến năm 2020, khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 49% vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy tỷ lệ đóng góp liên tục tăng, nhưng hiện còn thiếu 3% mới đạt được mục tiêu này.

Về nguyên nhân của những hạn chế dẫn tới mục tiêu của Nghị quyết không đạt được, bà Trịnh Thị Hương cho biết do hệ thống cơ quan, đơn vị đầu mối hỗ trợ DN chưa được hình thành đầy đủ, nhất quán; Chính sách khuyến khích đầu tư còn riêng rẽ, manh mún; cơ chế quản lý theo ngành và theo địa bàn dẫn tới nhiều văn bản khác nhau, DN khó nắm bắt, khó tiếp cận. Chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, mới thúc đẩy thành lập nhiều DN, chưa quan tâm đúng mức tới nâng cao chất lượng DN. DN khu vực tư nhân, DN nhỏ và vừa còn yếu thế trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước.

Theo Phạm Thị Ngọc Thủy, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, về nhiệm vụ giảm chi phí kinh doanh cho DN, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ rà soát, cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí tuân thủ, Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng chính sách tiền lương linh hoạt, cắt giảm các khoản phí lệ phí liên quan đến chi phí đầu vào của DN... Nhưng DN thực tế vẫn phải chi trả chi phí đầu vào cao, điển hình như tiền thuê đất điều chỉnh đột ngột, tiền nguyên nhiên vật liệu, tiền thuê nhân công…

Kiến nghị các giải pháp khắc phục, đại diện Cục Phát triển DN cho biết, cần tiếp tục khuyến khích phát triển DN khu vực tư nhân có quy mô vừa và lớn, trong đó, phát triển DN có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế, xây dựng các thương hiệu mạnh của DN Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Đổi mới tư duy quản lý nhà nước về DN khu vực tư nhân, theo đó nhà nước coi DN vừa là khách hàng được phục vụ, vừa là đối tượng quản lý. Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Phát triển DN khu vực tư nhân hiệu quả, bền vững...

Theo Báo Hải quan

 


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events