News

Áp dụng hệ thống quản lý rủi ro mới trong quản lý thuế

Summary

Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là phương pháp quản lý thuế hiện đại, đã trở thành phổ biến trên thế giới. Đối với Việt Nam, quản lý thuế theo cơ chế rủi ro đã được quy định tại Luật quản lý thuế số 21 và nay là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH1438/2019/QH14 đã có điều riêng quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Điều 9) và Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Thông tư 31).

Updated on : 11-06-2021


Áp dụng hệ thống quản lý rủi ro mới trong quản lý thuế

 

 

Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế phù hợp với tình hình thực tế

Thông tư 31 được xây dựng nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quản lý rủi ro trong quản lý thuế, giúp cho việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và đem lại lợi ích rất lớn không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng người nộp thuế và các tổ chức, cơ quan liên quan.

Theo đó, Thông tư 31 quy định cụ thể việc phân luồng người nộp thuế theo các hành vi để áp dụng các biện pháp kiểm soát, xử lý tương ứng giúp cơ quan quản lý phân bổ nguồn lực hợp lý, không bị dàn trải, giảm bớt áp lực về khối lượng công việc, chỉ tập trung nguồn lực vào người nộp thuế không tuân thủ, lĩnh vực rủi ro.

Bên cạnh đó, Thông tư 31 khuyến khích, tạo điều kiện để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế, tạo được sự cân bằng giữa việc tạo thuận lợi cho người nộp thuế với kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật thuế.

Việc áp dụng Thông tư 31 cũng tạo môi trường minh bạch, công bằng trên nền tảng tuân thủ pháp luật, giúp người nộp thuế đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thuế, không có sai phạm sẽ tránh được việc bị kiểm tra, thanh tra không cần thiết từ cơ quan thuế; tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, hạn chế tối đa vai trò can thiệp của cán bộ thuế trong quản lý, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển.      

Việc áp dụng quản lý rủi ro có gì mới, khác so với quy định cũ?

Việc áp dụng quản lý rủi ro tại Thông tư 31 có một số điểm mới lớn so với quy định trước đây tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC. Cụ thể:

Thứ nhất, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, theo một hoặc kết hợp các (chấm điểm, học máy, xếp hạng theo danh mục) giúp việc đánh giá linh hoạt, tăng độ chính xác. Ngoài ra, quy định việc đánh giá phải dựa trên phân đoạn người nộp thuế để đảm bảo người nộp thuế có đặc thù đồng nhất (địa bàn, quy mô, loại hình…) cùng được đánh giá theo các nhóm tiêu chí và các biện pháp quản lý phù hợp.

Thứ hai, căn cứ vào kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại rủi ro người nộp thuế, cơ quan thuế xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

Thứ ba, các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế được quy định trong Thông tư và giao cho Tổng cục Thuế có trách nhiệm ban hành chỉ số tiêu chí để đảm bảo linh hoạt, chủ động trong việc điều chỉnh các chỉ số tiêu chí cho phù hợp với thực tế quản lý trong từng thời kỳ.

4 tầng của mô hình tuân thủ

Tầng thứ nhất - người nộp thuế sẵn sàng tuân thủcơ quan thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi. Tầng thứ hai - người nộp thuế cố gắng tuân thủ nhưng không phải lúc nào cũng thành công; sẽ được cơ quan thuế hỗ trợ để tuân thủ. Tầng thứ ba - người nộp thuế không muốn tuân thủ nhưng sẽ tuân thủ nếu cơ quan thuế quan tâmcơ quan thuế sẽ thực hiện ngăn chặn thông qua các biện pháp phát hiện vi phạm. Tầng thứ tư người nộp thuế cố tình không tuân thủ; cơ quan thuế áp dụng toàn bộ quyền lực theo pháp luật.

Thứ tư, có sự thay đổi về mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế, trong đó, mức độ tuân thủ pháp luật thuế bổ sung mức không tuân thủ thành 4 mức để phù hợp theo tiếp cận của OECD (tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) với 4 tầng của mô hình tuân thủ tương ứng 4 mức độ tuân thủ - là mô hình đã được áp dụng ở cơ quan thuế của nhiều quốc gia, thay vì 3 mức như quy định trước đây.

Bên cạnh đó, sau khi đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, người nộp thuế được đánh giá rủi ro tổng thể, bên cạnh việc xác định rủi ro theo nghiệp vụ quản lý thuế.

Thứ năm, bổ sung việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân; bổ sung phương pháp đánh giá theo phương pháp học máy và việc đánh giá mang tính kế thừa kết quả đánh giá giữa đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế.

Ngoài ra, Thông tư cũng đề cao và nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin thu thập từ bên thứ 3 phục vụ phân tích rủi ro nên đã bổ sung quy định xử lý trong trường hợp có thông tin nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, qua đơn thư tố cáo, qua thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều tra, thủ trưởng cơ quan thuế quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra, thay đổi biện pháp quản lý thuế khác theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thứ sáu, quy định các biện pháp quản lý cụ thể, tương ứng với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro của người nộp thuế

Doanh nghiệp có được biết mình thuộc diện quản lý rủi ro như thế nào hay không?

Đối với doanh nghiệp nói riêng và người nộp thuế nói chung có thể tham khảo các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế trong Thông tư (tại các Phụ lục I, II, III) và các biện pháp quản lý thuế đối với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro để người nộp thuế nắm bắt, tự đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro của mình và điều chỉnh hành vi, tránh sai sót và hoàn thiện tốt nhất nghĩa vụ của mình đối với ngân sách nhà nước.

Ví dụ: Theo Phụ lục II, doanh nghiệp có thể biết cơ quan thuế sẽ đánh giá mức độ rủi ro qua việc xem xét “Tình hình chấp hành nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước” của doanh nghiệp, từ đó để tránh bị đánh giá rủi ro cao doanh nghiệp cần cố gắng tuân thủ các quy định và thực hiện nghĩa vụ thuế đúng hạn.

Về các mức tuân thủ, doanh nghiệp sẽ có nhiệm vụ hay quyền lợi gì?

Người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, đúng thời hạn thông tin trong hồ sơ thuế, thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế để đảm bảo kết quả đánh giá mức độ tuân thủ và phân loại rủi ro được chính xác. Từ đó, người nộp thuế sẽ được áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp, đúng với bản chất hành vi tuân thủ của người nộp thuế như:

Một là, người nộp thuế tuân thủ cao sẽ được xem xét, lựa chọn tuyên tương khen thưởng.

Hai là, đối với những người nộp thuế cần nâng cao tuân thủ thì cơ quan thuế sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ để người nộp thuế nâng cao mức độ tuân thủ, qua đó sẽ giảm thiểu được việc thanh tra, kiểm tra thuế từ cơ quan thuế.

Ngoài ra, từ việc nghiên cứu tuân thủ của người nộp thuế, cơ quan thuế sẽ phân tích, xác định những nội dung cần sửa đổi chính sách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, triển khai các biện pháp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin để việc chấp hành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế được thuận tiện, tiết kiệm cả thời gian và chi phí tuân thủ.

TH


Most Recent News


Search All News

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events