Latest articles

Hải quan triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh


Hải quan triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh

 

Thực hiện miễn, giảm, hoàn thuế, phí, lệ phí

Nhằm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong 8 tháng đầu năm 2022, ngành Hải quan đã thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm, hoàn thuế, phí, lệ phí.

Ngày 28/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định về chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Để triển khai chính sách này, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn cho doanh nghiệp biết và thực hiện. Cụ thể, qua khai thác trong cơ sở dữ liệu đối với hàng hóa được khai báo vào mã áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% từ ngày 1/2 đến hết ngày 21/8/2022, tổng số tiền thuế GTGT phải thu theo khai báo là 46.739,23 tỷ đồng. Theo đó, số thuế GTGT đã được giảm từ ngày 1/2 đến ngày 21/8/2022 theo quy định tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP là 11.684.825 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã thực hiện chính sách điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do COVID-19 theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ. Theo đó, toàn Ngành Hải quan đã thực hiện hoàn thuế năm 2022 theo Điều 7a đến ngày 23/8/2022 với tổng số tiền thuế hoàn là 6.309 tỷ đồng và theo Điều 7b là 16,4 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo quy định của Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đã có 26 mã hàng giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN so với Nghị định 57/2020/NĐ-CP.

Theo Tổng cục Hải quan, tính trên kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2022 của các mã hàng điều chỉnh giảm thuế suất tại Nghị định 101/2021/NĐ-CP nêu trên cho thấy trị giá nhập khẩu nhân với chênh lệch thuế suất giảm của từng mã hàng giảm thuế suất tại nghị định này thì số tiền thuế nhập khẩu của các mã hàng điều chỉnh giảm thuế suất giảm khoảng 1.137 tỷ đồng (tính trên tỷ giá 23.000 VND/1 USD).

Trong đó, số tiền thuế giảm chủ yếu là của mặt hàng ngô thuộc mã hàng 1005.90.90 giảm 1.052 tỷ đồng (thuế suất giảm từ 5% xuống còn 2% do kiến nghị của Hoa Kỳ; nhập khẩu chủ yếu từ Argentina, Pakistan, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ) và mặt hàng thịt lợn đông lạnh thuộc mã hàng 0203.22.00 và 0203.29.00 giảm 55 tỷ đồng (thuế suất giảm từ 15% xuống còn 10% do kiến nghị của Hoa Kỳ; nhập khẩu chủ yếu từ Brazil, Hoa Kỳ, Nga).

Quyết liệt cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 148/QĐ-TCHQ ngày 28/1/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Trong đó tập trung triển khai các giải pháp cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giao dịch thương mại qua biên giới.

Đồng thời, rà soát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đã ban hành có liên quan đến nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tập trung nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.

Trong công tác xây dựng, soạn thảo và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật hải quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị chú trọng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sáng tạo của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, gắn với việc xây dựng Hải quan số, tiến tới Hải quan thông minh.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng: thu hẹp phạm vi của một số ngành, nghề; đưa ngành, nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả và phù hợp hơn; đưa các ngành, nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc mục tiêu quản lý không rõ ràng.

Đặc biệt, các đơn vị trong ngành Hải quan cần rà soát kiến nghị, đề xuất cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh nhằm tạo cơ hội kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh; kiểm soát chặt chẽ, không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi xây dựng, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tham vấn, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, xác định các quy định không còn phù hợp với thực tế khách quan, không hợp lý, không rõ ràng, các quy định có sự chồng chéo, mâu thuẫn; các quy định khác nhau về cùng một vấn đề, nội dung... và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách nhằm tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định, đúng thẩm quyền. Tập trung triển khai đồng bộ các dịch vụ công trực tuyến, không chỉ tăng về số lượng thủ tục hành chính kết nối điện tử mà cần đảm bảo tỷ lệ hồ sơ được thực hiện thuận lợi và thành công qua phương thức điện tử. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đánh giá thường xuyên về hiệu quả thực thi các giao dịch điện tử trong lĩnh vực được phân công quản lý.

Đặc biệt, các đơn vị cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trong đó bao gồm cả các giải pháp về thúc đẩy chuyển đổi số thực hiện đồng bộ với cải cách hành chính; đẩy mạnh chuyển đối số cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử; minh bạch hoá quy trình, thủ tục hành chính, tiếp cận chính sách hỗ trợ của cơ quan nhà nước.

Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thường xuyên đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi pháp luật nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các quy định; đảm bảo kỷ cương, kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Bảo Trân

 


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events