Latest articles

Cơ hội liên kết, hút vốn cho ngành công nghiệp hỗ trợ


Cơ hội liên kết, hút vốn cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đang là mũi nhọn trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Điều này cho thấy việc hút dòng vốn ngoại cũng như việc liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đang tiếp tục mở ra với ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần gì?

Dòng vốn chảy vào công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự là tín hiệu mừng khi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thiếu nguồn lực để đổi mới. Chia sẻ về thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ tại hội thảo “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo” ngày 5/10, ông Phạm Thanh Tùng - Phòng Công nghiệp hỗ trợ - Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ rõ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo báo cáo khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2021, về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.

Trong khi với bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, thì tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu? "Điều đó mới quan trọng và là mấu chốt, như vậy có thể nói đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới là ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới” - Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhấn mạnh.


Vai trò cầu nối cho doanh nghiệp


Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong hai năm vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế giao dịch trực tiếp với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh trên thế giới thời gian gần đây đang có sự chuyển biến theo chiều hướng “bình thường mới”, nhiều tổ chức đã tích cực làm vai trò cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó đã xuất hiện làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch toàn bộ hoặc một phần sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan… Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nói riêng cần có sự chủ động tích cực nhằm nắm bắt những cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh mới.

Trong 6 ngành ưu tiên của Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, có 3 ngành liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, bao gồm: điện tử; máy nông nghiệp; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản – với vai trò là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm hỗ trợ xúc tiến hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, đã tích cực tham gia nhiều triển lãm chuyên ngành trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được tổ chức tại Nhật Bản. Dưới sự hỗ trợ của Thương vụ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tham gia các triển lãm, thông qua việc thuê gian hàng hoặc gửi hàng mẫu, có cơ hội được giới thiệu công nghệ, sản phẩm của doanh nghiệp mình và tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác Nhật Bản và nước ngoài, góp phần vào sự phát triển nói chung của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua.

Mới đây, 15 doanh nghiệp Việt Nam cùng với các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự M-Tech Osaka 2022 - một trong những triển lãm thường niên chuyên ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và kỹ thuật gia công lớn nhất tại Nhật Bản diễn ra ở tỉnh Osaka (Nhật Bản). Hay như Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc cũng hỗ trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tại hội thảo "Giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc" được tổ chức ngày 6/10, 10 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo (ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp đã có dự án, có nhu cầu mở rộng sản xuất nhưng vốn đầu tư còn hạn hẹp...) có cơ hội giới thiệu về công ty, dự án sản xuất trước 52 nhà đầu tư, tổ chức tín dụng Hàn Quốc để có thể tiếp cận với các khoản vay dài hạn để mở rộng sản xuất, đầu tư tiếp nhận công nghệ mới.

Bên cạnh đó, Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (Trung tâm VITASK) còn giúp doanh nghiệp Việt Nam giải quyết các vấn đề kỹ thuật ngay tại nơi sản xuất, chương trình đào tạo kỹ sư với đối tượng là sinh viên, chương trình bồi dưỡng chuyên gia tư vấn với đối tượng là công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất thử nghiệm đánh giá nhằm hỗ trợ đánh giá tính năng sản phẩm, phân tích lỗi... Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với các công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại trên thế giới, đồng thời cũng là dịp để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các đối tác hợp tác và có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 

B.H


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events