Latest articles

Triển vọng, áp lực xuất khẩu nào cho những tháng cuối năm?


Triển vọng, áp lực xuất khẩu nào cho những tháng cuối năm?

Kinh tế toàn cầu gặp thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid -19, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất ở nhiều quốc gia... tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung.Sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa.

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng trong khó khăn. Các chuyên gia dự báo cơ hội của xuất khẩu năm 2022 sẽ song hành cùng thách thức bởi lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, 10 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 616,3 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng 75,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 428,99 tỷ USD, tăng 14,6% (tương ứng tăng 54,6 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 187,31 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng 21,4 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Thống kê cho thấy, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm đạt 312,94 tỷ USD, tăng 16%, tương ứng tăng 43,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ ra yếu tố thuận lợi lớn nhất giúp hoạt động xuất nhập khẩu đạt được thành tích đó là việc sớm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế từ quý 4/2021; trong đó, các ngành sản xuất, dịch vụ đã tranh thủ đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Nhận định về những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng, dịch Covid -19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới sẽ tăng trong dịp cuối năm. Tiêu dùng hàng hóa ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy có chậm lại nhưng chưa giảm mạnh sẽ tác động thuận lợi đến sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong thời gian tới.

Việc các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... (do chi phí năng lượng tăng cao) và nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, thực tế, với tình trạng có thể suy thoái và lạm phát ở một số thị trường thì dệt may và tiêu dùng nói chung là nhóm hàng mà có thể thuộc diện thắt chặt chi tiêu cũng như giảm bớt nhu cầu. Hiện nay, đây chính là thách thức lớn đối với ngành dệt may nói riêng và với nhiều ngành khác.

Về xăng dầu, những tháng tới, thị trường xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố địa chính trị khác nhau như: xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, sản lượng khai thác dầu của OPEC, bất ổn chính trị tại Libya, thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran chưa có tiến triển…, do đó giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.

Xu hướng bảo hộ thương mại khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hoá trong nước. Dịch bệnh Covid -19 có xu hướng gia tăng trở lại, trong khi đó xuất hiện những yếu tố mới, nhất là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới và khu vực trong ngắn hạn. Chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu…

Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước. Đồng thời, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.

Xuất hiện gia tăng căng thẳng chính trị làm gián đoạn khả năng tiếp cận các tư liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất kinh doanh của nước ta, hoặc làm giảm xuất khẩu và khả năng cạnh tranh thu hút vốn FDI.

“Bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu, giá đầu vào nhập khẩu cao hơn và triển vọng tăng trưởng không chắc chắn ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng có thể hạn chế khả năng duy trì thặng dư cán cân thương mại do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn”, Bộ Công Thương chỉ rõ.

Trong bối cảnh một số thị trường lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ bị thu hẹp, nhu cầu giảm, vấn đề đặt ra là phải hướng dẫn doanh nghiệp chuyển hướng tiếp cận thị trường sang các nước châu Á - nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, các DN cần tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này. Bộ Công Thương sẽ triển khai mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống Thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu; cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cần tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi thị trường thế giới giảm nhu cầu nhằm giữ ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động. Bộ Công Thương phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các ngành hàng. Tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, trao đổi mua bán hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy thương mại chính ngạch; tăng cường công tác thông tin, định hướng doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch bền vững.

 

B. Hòa


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events