Cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn chịu hậu quả nặng nề sau đại dịch nên tiếp tục cần sự hỗ trợ về chính sách ưu đãi thuế, đơn giản về thủ tục hành chính… Mặt khác cần giảm việc thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp có thời gian sản xuất, phục hồi sức khỏe doanh nghiệp…
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, theo Tổng cục Hải quan: Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc thực hiện các thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan luôn nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ. Đến nay, ngành Hải quan đã xây dựng được một hệ thống CNTT hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực nghiệp vụ cơ bản như: Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động (VASSCM); Cổng thanh toán điện tử 24/7; Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia... Việc các thủ tục hải quan được thực hiện điện tử trên các hệ thống đã giúp giảm thời gian thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan Hải quan.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động nắm bắt tình hình, xây dựng các kịch bản và triển khai thực hiện các giải pháp để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. Cụ thể như sau:
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn có liên quan: Hệ thống văn bản QPPL về hải quan hiện hành đã được xây dựng và triển khai theo hướng cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các quy định tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đều minh bạch và đáp ứng để thực hiện vai trò quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện hải quan số theo lộ trình Chính phủ số và tiến tới Hải quan thông minh; trên cơ sở số hóa các trường thông tin dữ liệu, các thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường điện tử, các chứng từ, giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan sẽ được cắt giảm tối đa; các bước/trình tự quy trình thủ tục hành chính cũng được tối ưu hóa trên môi trường điện tử và cắt giảm sự tác động của con người.
Tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Bên cạnh các giải pháp về chính sách mang tính pháp lý, ngành hải quan cũng đã kịp thời triển khai các giải pháp cụ thể để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, các giải pháp này đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận về hiệu quả tạo thuận lợi thương mại, cụ thể như: Chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá, bản scan điện tử Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu AK, KV để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc; Tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hoá tại địa điểm bảo quản hàng hóa thuộc các khu vực phong tỏa cho đến khi các khu vực này được dỡ bỏ phong toả; Hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng; Tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; …
Tổ chức, điều hành và bố trí nhân lực đảm bảo việc thông quan hàng hóa để đảm bảo nguồn lực thực hiện việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu: Chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành xây dựng các phương án sẵn sàng với các giải pháp (về công nghệ thông tin, về hạ tầng, về trang thiết bị phòng chống dịch, về bố trí và đảm bảo an toàn cho lực lượng cán bộ công chức trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát …) nhằm đảm bảo giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để việc thông quan hàng hoá không bị gián đoạn, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo quản lý hải quan, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Trong giai đoạn tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cụ thể: tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan; đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống nghiệp vụ hải quan nhằm đạt mục tiêu cải cách hiện đại hóa toàn ngành giai đoạn 2021-2030; tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực, hiệu quả của trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát về hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, người dân nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước của ngành Hải quan.
Về các chính sách ưu đãi thuế ban hành trong thời gian vừa qua được quy định tại các văn bản sau: Nghị định số 126/2020/NĐ-CP bổ sung quy định về doanh nghiệp ưu tiên được hoàn thuế trước, kiểm tra sau, được thực hiện nộp thuế cho tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trong tháng chậm nhất vào ngày thứ mười của tháng kế tiếp. Nghị định 126/2020/NĐ-CP bổ sung quy định về thời hạn nộp tiền thuế ấn định là ngày ký ban hành quyết định ấn định thuế đối với 04 trường hợp đặc thù nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế không phải nộp tiền chậm nộp thuế tính từ thời điểm thông quan, giải phóng hàng.
Theo đó, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN; hàng hoá nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu được thuê doanh nghiệp khác trong nước gia công lại; Bổ sung quy định hàng hoá nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được phép tiêu hủy và thực tế đã tiêu huỷ được miễn thuế nhập khẩu; phế liệu, phế phẩm của hàng hóa nhập khẩu sản xuất xuất khẩu khi chuyển tiêu thụ nội địa tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được miễn thuế nhập khẩu (tương tự như đối với phế liệu, phế phẩm của hàng hóa nhập khẩu để gia công) ; định mức miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức Việt Nam được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động là toàn bộ giá trị của quà biếu, quà tặng và không quá 04 lần/năm (quy định trước đây giới hạn trị giá hàng hóa không quá 30 triệu).
Về hồ sơ, thủ tục giảm thuế (Điều 32): Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP sửa đổi thẩm quyền giải quyết giảm thuế đối với trường hợp người nộp thuế nộp hồ sơ sau thời điểm làm thủ tục hải quan là Cục Hải quan tỉnh, thành phố (thay vì Bộ Tài chính như trước đây) nhằm đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bổ sung Điều 29a về miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế, theo đó, cơ quan đề xuất ký hoặc gia nhập Điều ước quốc tế xác nhận danh mục miễn thuế (thay cho thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đang quy định tại Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP).
Đối với kiến nghị cần giảm việc thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp có thời gian sản xuất, phục hồi sức khỏe doanh nghiệp: Theo Tổng cục Hải quan, ngay từ khi có Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Tổng cục đã ban hành văn bản số 7766/TCHQ-TTr ngày 17/12/2019 về việc tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ trong ngành Hải quan, trong đó, quy định rõ nguyên tắc xây dựng kế hoạch thanh tra là: “Việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm phải tuân theo pháp luật; phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước cấp trên; yêu cầu, nhiệm vụ, mục đích công tác của ngành Hải quan. Bảo đảm không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra”.
Nguyên tắc kiểm tra nội bộ hàng năm là: “Thực hiện kiểm tra toàn diện các lĩnh vực 01năm/1 lần/ đơn vị (trừ kiểm tra theo dấu hiệu, đột xuất và theo chuyên đề) trên cơ sở ghép kế hoạch của các đơn vị và cử đơn vị chủ trì làm trưởng đoàn, tránh trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời kỳ, thời gian kiểm tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra” và chỉ rõ việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ. Theo đó, Kế hoạch thanh tra, kiểm tra đều được quán triệt nguyên tắc này. Vì vậy số cuộc thanh tra, kiểm tra đều giảm hơn so với các năm trước.
H.Giang
Title | Category | Created On |
---|---|---|
Exports sets a record US$ 400 billion | General | 2025-02-05 14:07:18 |
Highlights of imports and exports in 2024 | General | 2025-02-05 14:00:39 |
Grasping the green transformation trend - A survival opportunity for Vietnamese Enterprises | General | 2025-02-05 13:50:49 |
Complying with regulations of each market for smooth fruit and vegetable exports | General | 2025-02-05 13:36:03 |
Coconut export enter acceleration cycle | General | 2025-01-07 14:39:26 |
A Quick Intro |
Search Trade Information
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Feature Information
|
|
|
|
|
|
|
Information & Articles
|
|
|
|
|
|
|
Contact Us! If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message >>>
|