Latest articles

Người tiêu dùng Canada ưu tiên mua điều nguyên liệu và chế biến từ Việt Nam


Người tiêu dùng Canada ưu tiên mua điều nguyên liệu và chế biến từ Việt Nam

Canada có nhu cầu tiêu thụ các loại hạt đã chế biến tăng nhanh qua các năm do nhu cầu ăn sạch, ăn các nguồn đạm thực vật để bảo vệ sức khoẻ. Thị trường Canada nhập khoảng 400 triệu USD/năm các sản phẩm hạt đã chế biến. Mức tăng trưởng của thị trường hạt chế biến giai đoạn 2018-2021 là 16%, trong khi của Việt Nam là 51%, thể hiện hiệu ứng tích cực của CPTPP, giúp Việt Nam có thêm các đơn hàng.

Cơ hội cho hạt điều Việt Nam tại thị trường Canada

9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều chế biến sang Canada tiếp tục tăng (14,8%) so với cùng kỳ năm 2021, đạt 24,3 triệu USD. Dự kiến cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hạt điều chế biến của Việt Nam sang Canada sẽ đạt trên 30 triệu USD.

Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của thị trường hạt chế biến của Canada là do các nhà sản xuất Canada nắm giữ. Các nhà sản xuất Canada nhập nguyên liệu thô từ các nước và chế biến, đóng gói, một phần tiêu thụ trong nước và một phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các nước vùng Caribe và Pháp.

Đối với nhân hạt điều bóc vỏ, Việt Nam là nước có thị phần chủ yếu và ổn định qua các năm, không có nhiều cạnh tranh (78-79%). Năm 2012, Canada chỉ nhập 73 triệu USD giá trị nhân hạt điều thô, con số này đã lên đến 120 triệu USD vào năm 2017 và đạt đỉnh gần 130 triệu USD vào năm 2018. Tuy nhiên sau đó, nhu cầu của thị trường sụt giảm, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường cũng giảm. Năm 2021, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 86 triệu USD, giảm 14% so với năm 2018. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất được 68,7 triệu USD, tuy nhiên, dự báo, nhu cầu của thị trường chỉ tương đương hoặc còn thấp hơn mức năm 2021, vì vậy xuất khẩu nhân hạt điều thô vào thị trường năm 2022 chỉ đạt tương đương 86 triệu USD trong kịch bản lạc quan nhất.

Ngoài hạt điều bóc vỏ, hàng năm Canada cũng nhập một lượng không đáng kể điều chưa bóc vỏ từ Việt Nam. Giá trị xuất điều chưa bóc vỏ năm 2021 đạt gần 800.000 USD. Trong 9 tháng đầu năm 2022, nhu cầu nhập khẩu của Canada với mặt hàng này tăng đột biến (160% so với cùng kỳ năm 2021); đến nay, Canada đã nhập 1,38 triệu USD giá trị điều nhân nguyên vỏ từ Việt Nam.

Tổng hợp từ các số liệu cho thấy mỗi năm Canada nhập khoảng 17-18.000 tấn hạt điều. Giá bình quân trong năm 2021 đạt gần 7.000 USD/tấn nhân. Mức giá này tăng mạnh so với giá năm 2020 do giá vận chuyển tăng cao. Sau khi chế biến, giá hạt điều trung bình là 9.800 USD/tấn, tức khoảng 10-12 USD/kg. Giá hạt điều chế biến xuất đi từ Canada trung bình là 12.000 USD/tấn.

 Trong năm 2021, hạt điều chỉ chiếm vị trí thứ 14 trong các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam vào Canada. Về cơ cấu, gần 75% xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang địa bàn vẫn là xuất thô chỉ có 25% là qua chế biến sâu. Điều đáng mừng là mặc dù thị trường giảm nhập khẩu về lượng nhập khẩu nhưng do giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu 2021 vẫn cao hơn năm 2020. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2022. Hơn nữa, thị trường có xu hướng nhập khẩu tăng với sản phẩm hạt điều chế biến (mã HS 200819), với mức tăng trưởng trong kỳ 2018-2021 lên đến 51% và gần 15% trong năm 9 tháng đầu 2022. Sự sụt giảm nhập khẩu điều thô và tăng nhập khẩu điều chế biến cho thấy, yếu tố lạm phát của địa bàn không tác động nhiều đến nhu cầu tiêu dùng của người sở tại.

Doanh nghiệp Việt cần xây dựng thương hiệu riêng

Với chất lượng tốt, các doanh nghiệp Canada vẫn ưu tiên mua điều nguyên liệu và điều chế biến từ Việt Nam dù giá cao hơn. Vì vậy, cho dù thị trường sở tại không ổn định về cầu (biến động nhiều qua các năm), dự báo, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam vào địa bàn sẽ ổn định quanh 115-120 triệu USD/năm cho cả điều nguyên liệu và điều chế biến. Tuy nhiên, theo TS Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, thị trường yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (bao gồm tỷ lệ tạp chất, vết sâu bệnh trên bề mặt hạt, độ đồng nhất của sản phẩm về mùi vị và màu sắc). Vấn đề dư lượng chất bảo quản cũng là việc cần lưu ý để tránh hàng bị trả lại không được thông quan. Quy trình nhập khẩu hạt điều cũng tương tự như các sản phẩm thực phẩm khác.

Về dài hạn, do chi phí nhân công ở Canada ngày một tăng, nhiều khả năng các doanh nghiệp chế biến và đóng gói hạt điều lớn của Canada như Basse, Kirkland sẽ chuyển dịch mắt xích sản xuất cho Việt Nam để gia công cho thương hiệu của họ. Công ty Dan D Park của Canada đã đi đầu trong xu hướng này và hoàn toàn sản xuất tại Việt Nam cho thương hiệu của Dan D Park và các thương hiệu mà công ty này gia công.

Ở góc độ tiêu dùng, người tiêu dùng Canada khá ưa chuộng hạt điều so với các loại hạt khác để thay thế bữa ăn. Tuy nhiên, người tiêu dùng Canada thường có xu hướng lựa chọn các gói hạt tổng hợp để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng tuyệt đối và ngon miệng, dễ ăn. Nhiều sản phẩm sản xuất tại Canada đã đi theo hướng trộn hạt điều với hạt hạnh nhân, hạt mắc ca, hạt điều Brazil; hoặc trộng hạt điều với trái cây khô như dứa sấy, thanh long sấy, nho và bluberry sấy. Người tiêu dùng Canada quan tâm nhiều đến sản phẩm hữu cơ và các chứng chỉ xác nhận quy trình sản xuất xanh, bền vững, và công bằng (bình đẳng giới) của doanh nghiệp. Ngoài ra, người tiêu dùng Canada cũng rất quan tâm đến cách thức đóng gói và bảo quản (hút chân không, bao bì có khả năng tái chế).

TS Trần Thu Quỳnh  đưa ra lưu ý, trước khi xuất hàng, các doanh nghiệp nên tìm văn phòng luật sư hỗ trợ trong việc xây dựng hợp đồng, nhất là các điều khoản thanh toán và giải quyết tranh chấp cũng như trong quá trình giao dịch để tránh rủi ro. Ngoài ra, để đảm bảo xuất khẩu điều của Việt Nam vào thị trường bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý xây dựng thương hiệu riêng. Hiện nay, hạt điều chủ yếu vẫn xuất thô vào thị trường và gia công, đóng gói tại Canada. Tại các chuỗi bán lẻ, các nhãn hàng của Canada và Hoa Kỳ vẫn là chủ yếu. Các thương hiệu hạt điều Việt vào được thị trường chủ yếu ở dạng bánh kẹo đặc sản, bán tại các cửa hàng châu Á.

M.H


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events