Latest articles

Tận dụng cơ hội đưa sản phẩm nông sản hữu cơ Việt Nam vào thị trường châu Âu


Tận dụng cơ hội đưa sản phẩm nông sản hữu cơ Việt Nam vào thị trường châu Âu

Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đã định hình được vị thế, với những sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Rộng cánh cửa cho nông sản hữu cơ

Theo ông Trần Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, tính đến nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt trên 335 triệu USD/năm, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu hàng hữu cơ hằng năm giai đoạn 2010 - 2016.

Các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó khu vực châu Âu là thị trường nhập khẩu chính như: Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Thụy Điển… Ngoài các loại rau, quả hữu cơ thì các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu…

Ngày 13/2, Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) đã tổ chức lễ xuất khẩu lô đầu tiên gồm 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị sang thị trường châu Âu, với giá bán 1.800 USD/tấn. Sau khi được thị trường chấp nhận, dự kiến mỗi tháng doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu 30 - 50 tấn gạo hữu cơ sang châu Âu.

Cũng để nông sản hữu cơ của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng châu Âu biết đến nhiều hơn nữa, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) đã tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ (Biofach) tại Nürnberg, Đức từ ngày 14 -17/2/2023.

Hội chợ thu hút hơn 2.000 gian hàng đến từ gần 100 quốc gia với các sản phẩm hữu cơ thuộc nhiều ngành hàng khác nhau như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ uống, dược phẩm…

Việt Nam có 10 doanh nghiệp tham dự Hội chợ Biofach 2023; trong đó, thành phố Hà Nội có 4 doanh nghiệp là công ty CP Visimex, công ty CP Thế Giới Hạt dưỡng, công ty CP sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam, công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường.

Các sản phẩm Việt Nam trưng bày tại Hội chợ Biofach năm nay khá đa dạng như tiêu, điều, quế hồi, cà phê, cơm dừa, bún phở hữu cơ, tỏi ớt tương, dầu dừa… Nhiều sản phẩm Việt Nam đạt được các chứng nhận quốc tế như: JAS Control Union Certificattions, Bio Trade, USDA Organic, For Life, Global Gap...

Phát huy vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong việc kết nối, chia sẻ và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, trong năm qua, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ tại Đức nói riêng và châu Âu nói chung có phần chững lại so với các năm trước đó, do tình hình lạm phát, giá năng lượng tăng vọt, hậu quả của đại dịch COVID-19 và tình hình xung đột tại Ukraine, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua các sản phẩm hữu cơ - vốn có giá cao hơn các sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây chỉ là tình hình tạm thời, việc phát triển sản phẩm hữu cơ vẫn đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới.

Còn theo bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức cho hay, người tiêu dùng châu Âu, đặc biệt là người Đức đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ tại nước này ngày càng tăng. Chính phủ Đức cũng rất quan tâm, chú trọng đến việc phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ. Để đạt được các mục tiêu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra, Đức muốn hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp nên canh tác hữu cơ là trọng tâm phát triển của nông nghiệp Đức. Chính phủ Đức đưa ra mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác hữu cơ sẽ chiếm 30% tổng diện tích đất nông nghiệp.

Thế nhưng có thể thấy việc tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ mới chỉ tập trung tại các kênh phân phối hiện đại và phục vụ thị phần nhỏ khách hàng trung và cao cấp; giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hữu cơ chưa được đầu tư thực hiện diện rộng. Việt Nam cũng chưa có cơ chế quản lý xử phạt về ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, công tác quản lý thị trường còn nhiều bất cập…

Do vậy, nằm thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần tập trung hoàn thiện về thể chế, cơ chế chính sách, đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động chứng nhận và nâng cao năng lực chứng nhận cho các Tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, cần phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đi cùng với phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tàu trong việc kết nối, chia sẻ và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…

Với xu thế phát triển hiện nay, có thể thấy tiềm năng và cơ hội cho nông sản hữu cơ Việt Nam ngày càng được mở rộng. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội mang lại, nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng, các quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, các yêu cầu về chứng nhận tiêu dùng hữu cơ quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam.

M.H (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events