Latest articles

Công nghệ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới cho dệt may Việt Nam


Công nghệ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới cho dệt may Việt Nam

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp dệt may cắt giảm chi phí sản xuất mà còn tạo lợi thế cạnh tranh mới cho ngành dệt may Việt Nam.

Dệt may còn nhiều dư địa để mở rộng xuất khẩu

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 44,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Mặc dù những tháng đầu năm đối mặt nhiều thách thức, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng thấp nhưng Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Cụ thể, với kịch bản sức mua thấp, xuất khẩu dệt may được kỳ vọng đạt 45 tỷ USD; ngược lại, nếu thị trường phục hồi tốt trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu dệt may có thể đạt 47 tỷ USD.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, ngành dệt may còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. "Trong vòng 2 năm tới, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, ưu đãi thuế quan giảm dần về bằng 0, đây là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam, thị trường xuất khẩu rất rộng mở", ông Vũ Đức Giang cho hay.

Bên cạnh việc tham gia thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với độ phủ rộng hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất thế giới, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đàm phán FTA với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA). 

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong 14 nước tham gia đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.

Hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đều dao động khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Riêng với thị trường EU, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas cho rằng chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng thị trường này, giá trị đơn hàng vào EU khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành còn thấp so với kỳ vọng.

Trong những tháng đầu năm nay, dệt may Việt Nam đã tiếp cận một số thị trường mới như Canada, Australia… Điều này cho thấy các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bắt đầu tác động tích cực đến ngành này.

Chủ tịch Vitas, ông Vũ Đức Giang cho biết đang kêu gọi các nhà thiết kế ưu tiên sử dụng sợi, vải và phụ liệu trong nước để sản phẩm dệt may từ Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA tốt nhất.

Đề xuất kinh phí 435,6 tỷ đồng để thực hiện Chiến lược phát triển mới

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas cho biết, ngành dệt may là ngành công nghiệp phát triển nhanh nhờ hội nhập. Nếu như năm 2001 kim ngạch xuất khẩu của ngành mới chỉ đạt 1,96 tỷ USD thì đến năm 2022 đã tăng lên 44,4 tỷ USD, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh. Ngành dệt may hiện cũng đang đứng đầu cả nước về thâm dụng lao động (khoảng 2 triệu lao động công nghiệp và gần 1 triệu lao động kinh doanh thương mại và dịch vụ).

Tuy nhiên, ngành dệt may đang đối mặt với nhiều hạn chế như thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, đặc biệt dệt nhuộm tạo ra điểm nghẽn. Phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn sản xuất theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp; tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian cao, hiệu quả thấp. Hiện rất ít doanh nghiệp xuất khẩu được bằng thương hiệu riêng…

Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Cẩm, là do việc đầu tư vào dệt nhuộm đòi hỏi vốn lớn, lao động trình độ kỹ thuật cao và không được ưu tiên do những quan ngại về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thiếu năng lực về quản lý chuỗi cung ứng, quản trị rủi ro, thiếu năng lực về thương mại, tiếp cận khách hàng, thiết kế sản phẩm.

Trong bối cảnh đó, vào cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Đáng chú ý, chiến lược này đưa ra mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giai đoạn 2021-2030 đạt 6,8 – 7,2%, trong đó giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đạt 7,5-8%. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 50 – 52 tỷ USD và năm 2030 đạt 68 – 70 tỷ USD; tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may 2021 – 2025 đạt 51 – 55% và giai đoạn 2026 – 2030 đạt 56 – 60%.

Đối với tầm nhìn đến 2035, chiến lược đưa ra mục tiêu phấn đấu Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu dệt may đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững và thời trang Việt Nam được ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới với các sự kiện thời trang thu hút sự quan tâm và tham gia của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới.

Nhìn vào thực tế của ngành dệt may Việt Nam hiện nay, ông Trương Văn Cẩm đánh giá những mục tiêu đề ra trong chiến lược này là một áp lực lớn đối với ngành.

Theo đó để đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược, Việt Nam cần thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp dệt may để chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu. Bởi lẽ hầu hết các KCN có hệ thống xử lý nước thải đều đã thu hút đầu tư lấp đầy như tại KCN dệt may Phố nối B, Bảo Minh, Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Bình An, Nhơn Trạch. Một số KCN như Rạng Đông, Phong Điền… tỷ lệ lấp đầy còn thấp, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về xử lý nước thải,

Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng cần phát triển khâu thiết kế, phát triển thương hiệu, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực…

Để làm được những việc này, bản thân ngành dệt may không thể đáp ứng được. Do đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất chương trình hỗ trợ phát triển bền vững ngành dệt may theo chiến lược đến năm 2030 với kinh phí đề xuất là 435,6 tỷ đồng nhằm thực hiện 8 nhiệm vụ.

B.T (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events