Latest articles

Xuất khẩu nông sản: Sẵn sàng thích ứng với những quy định nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc


Xuất khẩu nông sản:
Sẵn sàng thích ứng với những quy định nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc

Ngay sau khi mở cửa, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Để đón đầu cơ hội này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động, để sẵn sàng thích ứng với một loạt những quy định nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc.

Tăng cường hậu kiểm

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được thông báo của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu kiểm tra theo hình thức trực tuyến 5 doanh nghiệp chế biến nước ép trái cây đông lạnh có lô hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm trong số 12 doanh nghiệp phía Trung Quốc đưa ra.

Theo các Lệnh 248, 249 của Trung Quốc (GACC), sản phẩm nước ép trái cây không nằm trong Danh mục 18 nhóm sản phẩm phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền Việt Nam nên các doanh nghiệp chủ động đăng ký trực tiếp qua Hệ thống đăng ký trực tuyến https://cifer singlewindow.cn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (CIFER) với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Lệnh 248 "Quy định về Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia (khu vực) nơi đặt trụ sở hoặc doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, đầy đủ và hợp pháp của các tài liệu được nộp.

Qua rà soát 12 doanh nghiệp cho thấy, một số doanh nghiệp có thông tin đăng ký với phía Trung Quốc không chính xác. Một số doanh nghiệp chỉ có hoạt động thương mại, không có hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo vi phạm về an toàn thực phẩm...

Vì vậy, để chủ động trong đàm phán mở cửa thị trường và phối hợp với phía Trung Quốc xử lý các vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đối với các doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm nước ép trái cây đông lạnh nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản nói chung... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị chức năng thống kê, cập nhật đầy đủ danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý Theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 38/2018/BNN-PTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan quản lý, cấp đăng kinh doanh để đảm bảo cập nhật, thống kê đầy đủ và chính xác thông tin đối với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc sản phẩm ngoài Danh mục 18 nhóm sản phẩm phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền Việt Nam thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu các doanh nghiệp bên cạnh việc đăng ký trực tiếp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đồng thời gửi hồ sơ đăng ký thông tin với cơ quan quản lý địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) để phối hợp xử lý các vướng mắc theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu giám sát, kiểm tra, thanh tra chặt chẽ (hậu kiểm) đối với các doanh nghiệp trong việc tuân thủ và duy trì đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm của Việt Nam và Trung Quốc; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

Giữ vững thị trường

Nhìn vào kết quả xuất khẩu 2 tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc nổi lên là điểm sáng đáng chú ý còn giữ được đà tăng trưởng, với nhu cầu vẫn tiếp tục tăng không suy yếu như phần lớn các thị trường lớn khác của nông sản Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần). Trong đó, mặt hàng rau quả, xuất khẩu vào Trung Quốc vẫn tăng tới hơn 17%, đặc biệt tính riêng tháng 2 thuỷ sản xuất khẩu sang nước này cũng tăng tới 33%. Như vậy, sau khi mở cửa, xuất khẩu sang Trung Quốc đã bắt đầu có nhiều tín hiệu tích cực.

Đón đầu cơ hội này và cũng thực hiện Nghị quyết số 31 tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 về tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động, để sẵn sàng thích ứng với một loạt những quy định nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc.

Tại Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thứ 4 hàng tuần, phía cơ quan Trung Quốc và Việt Nam sẽ có một buổi kiểm tra trực tuyến, để đảm bảo điều kiện về vùng trồng, cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn từ phía nước bạn. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc đã phê duyệt hơn 2.000 mã số vùng trồng, trên 1.400 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

"Các sản phẩm phải đảm bảo theo Lệnh 248, 249 đó là có mã số đăng ký doanh nghiệp, đảm bảo cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng tránh tình trạng không minh bạch trong lĩnh vực này, phải đúng đối tượng, đúng vùng trồng. Vấn đề này chúng tôi đã triển khai rộng khắp ở cơ sở chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm.

Xuân Thảo


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events