Latest articles

Nhiều nước tăng thu mua, cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam


Nhiều nước tăng thu mua, cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam

Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu các nước xuất khẩu gạo trên thị trường quốc tế trong suốt nhiều tháng qua. Nhiều chuyên gia thương mại dự báo, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn với giá trị kim ngạch ước tính khoảng 4 tỷ USD.

Cơ hội rộng mở đối với ngành lúa gạo Việt Nam

Bộ Công Thương cho biết, ngày 27/3, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã có văn bản gửi Cục Xuất nhập khẩu về việc nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia của Indonesia trong năm 2023. Theo đó, Chính phủ Indonesia mới đây đã ra quyết định sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2023, thị trường Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam sau Philippines và Trung Quốc. Lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 143.786 tấn, tương đương 67,31triệu USD, giá bình quân 468 USD/tấn, tăng mạnh 33.732% về lượng và tăng 30.355% kim ngạch nhưng giảm 10% về giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Với thị trường Philippines, nước này hiện đứng đầu các nước về tiêu thụ gạo của Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Philippines có thể sản xuất được 12,5 triệu tấn gạo. Trong khi tổng nhu cầu vào khoảng 15,5 triệu tấn. Để bù đắp sự thiếu hụt, hàng năm, Philippines cần nhập khẩu từ 2,5 - 3,5 triệu tấn gạo. Đây chính là cơ hội đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, xuất khẩu gạo luôn là mặt hàng trọng điểm trong xuất khẩu nông sản nói riêng cũng như xuất khẩu nói chung của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến khi gia tăng cả về số lượng và trị giá. Đặc biệt là trong những tháng gần đây, giá gạo xuất khẩu luôn ở mức cao, cụ thể như gạo 5% tấm từ mức xấp xỉ 450 USD/tấn, gạo 25% tấm khoảng 430 USD/tấn. Đây là những kết quả rất khả quan. Hiện nay giá gạo của Việt Nam đã vượt cả giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, hiện nay Ấn Độ vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo, điều này cũng tạo ra sự khan hiếm nhất định trên thị trường thế giới. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Philippines, Indonesia lại đang có nhu cầu mua gạo tăng trở lại. Đặc biệt là với Indonesia, lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang mặc dù số lượng còn thấp, nhưng mức độ tăng trưởng rất cao đang tạo ra một thị trường tiềm năng rất lớn trong tương lai.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, có thể thấy rằng, năng lực sản xuất gạo của Việt Nam rất tốt, về cơ bản sẽ có được nguồn cung xuất khẩu gạo ổn định. Còn đối với vấn đề thị trường, nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu gạo khác.

Hơn nữa, việc các nước hiện nay cũng đang mở rộng nhu cầu mua, nhất là các thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines cũng sẽ giúp cho việc đảm bảo được lượng gạo xuất khẩu năm nay, phấn đấu đạt xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD.

Cần đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro

Bộ Công thương thông tin thêm, liên quan tới gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn như hiện nay nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Indonesia có kế hoạch thu mua 70% lượng gạo trong tổng số 2,4 triệu tấn trong vụ thu hoạch chính (từ tháng 02 đến tháng 04).

Tuy đang trong vụ thu hoạch chính nhưng tình hình thu mua gạo dự trữ của Indonesia hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Cơ quan hậu cần quốc gia, cơ quan này mới chỉ thu mua được cho đến nay 60.000 tấn trong khi lượng gạo dự trữ hiện có trong kho (tính đến trước ngày 25/03/2023) chỉ còn vào khoảng 280 nghìn tấn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức tiềm ẩn cho xuất khẩu gạo năm nay do thương nhân còn hạn chế trong chiến lược đa dạng hóa thị trường. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu thiếu bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines (thị trường nhập lớn nhất, chiếm hơn 45% tổng gạo xuất khẩu của Việt Nam).

Đáng lưu ý, gạo xuất khẩu Việt Nam cũng gặp cạnh tranh từ các nguồn cung giá rẻ khác như Ấn Độ, Pakistan; chi phí sản xuất tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào leo thang, đẩy giá thành thu mua thóc, gạo hàng hóa lên cao.

Trước tín hiệu nhu cầu từ các thị trường trọng điểm như Indonesia, Philippines, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.

Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân.

Nói về dư địa để gia tăng sản lượng xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải cho hay, mỗi năm Việt Nam sản xuất từ 22 - 23 triệu tấn gạo; trong đó, xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%. Đặc biệt, với việc sản xuất hơn 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao đang mở ra cơ hội để ngành hàng này phát triển và vươn xa.

Có thể thấy, so với các thị trường khác, gạo vào thị trường EU có khối lượng xuất khẩu không phải là nhiều, nhưng lại được ưu thế là chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm. Sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết, các Bộ, ngành như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã tạo điều kiện cấp Giấy chứng nhận để giúp cho hoạt động xuất khẩu gạo đặc biệt là gạo thơm của Việt Nam sang thị trường này, đến nay có thể nói mức tăng trưởng cũng rất tốt. Do vậy, hy vọng cùng với thị trường EU, những thị trường cao cấp khác ví dụ như Nhật Bản, Mỹ… cũng có thể sẽ là những thị trường giúp gia tăng được lượng xuất khẩu của Việt Nam.

M.H (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events