Xác định Mỹ là thị trường lớn, tiềm năng, hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này, đồng nghĩa với việc có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường tiềm năng khác trên thế giới, tỉnh Bắc Giang dự kiến, trong năm nay phấn đấu xuất khẩu 1.500 tấn vải thiều sang thị trường Mỹ.
Tăng 45 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu
Với lợi thế có vùng vải thiều lớn nhất cả nước, năm nay, diện tích vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang là 29.700 ha, tăng so với năm trước 1.600 ha; nhận định năm nay thời tiết tốt sẽ được mùa vải, sản lượng ước đạt từ 180.000 - 200.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn; chính vụ 120.000 tấn).
Trong đó, vải thiều chín sớm là 7.700 ha, dự kiến 60.000 tấn; vải chính vụ 22.000 ha, sản lượng dự kiến trên 120.000 tấn. Việc sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP được duy trì và mở rộng, với tổng diện tích là 15.682 ha, sản lượng ước đạt trên 100.000 tấn. Huyện Lục Ngạn vẫn là thủ phủ vải thiều của tỉnh Bắc Giang và cả nước với diện tích năm nay khoảng 17.357 ha; sản lượng 98.000 tấn, trong đó vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 73.000 tấn.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, để chuẩn bị sản xuất vải thiều xuất khẩu năm nay, Sở đã sớm xây dựng kế hoạch về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều năm 2023. Toàn tỉnh hiện duy trì 178 mã số vùng trồng đủ điều kiện phục vụ xuất khẩu; đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã vùng trồng, nâng tổng số lên 223 mã số vùng trồng vải, với diện tích 17.724 ha. Sản lượng ước đạt 115.000 tấn phục vụ cho xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Australia, Trung Quốc, Thái Lan… Cùng với đó, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang duy trì 300 cơ sở đóng gói vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu.
Trong đó, riêng đối với thị trường Mỹ, vải dự kiến xuất khẩu sang thị Mỹ với 17 mã số vùng trồng, diện tích là 205 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 20/5, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2023.
Xác định Mỹ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn, đây lại là thị trường đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Do đó, tỉnh Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt từ chính quyền đến người trồng vải thiều lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng; bảo đảm an toàn thực phẩm, rà soát, đánh giá tất cả mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vải thiều bảo đảm các quy định của các nước nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu; rà soát, thiết lập hồ sơ đánh giá vùng trồng vải xuất khẩu.
Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào Mỹ
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ còn một số khó khăn như: chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không cao; chưa có công nghệ bảo quản vải thiều để vận chuyển bằng đường biển; việc chiếu xạ còn hạn chế.
Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu, để việc xuất khẩu vải thiều vào thị trường Mỹ được thuận lợi cần phải có một tổ hợp giải pháp triển khai đồng bộ trên toàn bộ chuỗi giá trị của quả vải thiều. Trong đó, người nông dân cần nghiêm chỉnh thực hiện chế độ chăm sóc đảm bảo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cơ sở đóng gói cần thao tác cẩn thận, nhẹ nhàng, tránh tình trạng quả vải bị va đập từ khâu chuyển từ vườn về tới xưởng và trong từng công đoạn sơ chế, đóng gói. Việc chiếu xạ cần có phương án linh hoạt để đảm bảo được chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để vải thiều rộng đường xuất khẩu, năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ 5 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện đăng ký xuất khẩu các mặt hàng chế biến có nguồn gốc thực vật sang thị trường Trung Quốc, trong đó Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Lục Ngạn đã được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu, hồ sơ của 4 đơn vị khác đang chờ Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Với thị trường Mỹ, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã có buổi làm việc với cơ quan APHIS, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật để đánh giá, xem xét điều kiện chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang) cho biết, cùng với tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ chặt chẽ các điều kiện sản xuất theo yêu cầu của các nước, chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp mới các mã số theo kế hoạch. Việc có thêm cơ sở chiếu xạ tại miền Bắc sẽ giúp thời gian đưa trái vải sang thị trường Mỹ ngắn hơn, giảm chi phí.
Xuân Thảo
Title | Category | Created On |
---|---|---|
Exports sets a record US$ 400 billion | General | 2025-02-05 14:07:18 |
Highlights of imports and exports in 2024 | General | 2025-02-05 14:00:39 |
Grasping the green transformation trend - A survival opportunity for Vietnamese Enterprises | General | 2025-02-05 13:50:49 |
Complying with regulations of each market for smooth fruit and vegetable exports | General | 2025-02-05 13:36:03 |
Coconut export enter acceleration cycle | General | 2025-01-07 14:39:26 |
A Quick Intro |
Search Trade Information
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Feature Information
|
|
|
|
|
|
|
Information & Articles
|
|
|
|
|
|
|
Contact Us! If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message >>>
|