Latest articles

Nhiều giải pháp lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản


Nhiều giải pháp lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

5 tháng năm 2023 ghi nhận kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã có dấu hiệu khởi sắc so với 4 tháng năm 2023. Với đà phục hồi này thì dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến hết quý 3 sẽ bằng với quý 3/2022 và sang quý 4 có thể đẩy mạnh tăng trưởng. Với nhiều giải pháp kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ về đích đạt 55 tỷ USD năm 2023.

Mức giảm đang từng bước được thu nhỏ

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã có bước chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện qua số liệu thống kê. Cụ thể, tháng 1 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm trên 68% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do tháng này có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tháng 2, giá trị xuất khẩu giảm 38,4%; tháng 3 giảm gần 30% và sang tháng 4 giảm 13,3% và tháng 5 mức giảm còn 11,1%. Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 20,26 tỷ USD. Có thể thấy, mức giảm đang từng bước được thu nhỏ.

5 tháng đầu năm, trong khi nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: cà phê 2,02 tỷ USD, tăng 0,2%; rau quả 1,97 tỷ USD, tăng 39%; thịt, phụ phẩm 58 triệu USD, tăng 59,1%..., nhất là gạo đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49%, cũng có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm, như: Cao su 799 triệu USD, giảm 24%; chè đạt 65 triệu USD, giảm 18,9%; hồ tiêu đạt 414 triệu USD, giảm 9,9%; sắn và sản phẩm sắn đạt 539 triệu USD, giảm 14,3%; cá tra 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm 1,22 tỷ USD, giảm 34,4%, gỗ và sản phẩm gỗ 5,1 tỷ USD, giảm 27,3%; mây, tre, cói thảm 298 triệu USD, giảm 28,4%...

Theo phân tích của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gỗ, thủy sản và cao su giảm mạnh nhất trong 4 tháng năm 2023 do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU,… Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường Hoa Kỳ, ASEAN và Hàn Quốc giảm mạnh trong 4 tháng năm 2023, lần lượt giảm 40,5%, 5% và 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển; các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng. Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp,... Cùng với đó, nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung.

Xuất khẩu của các ngành hàng sẽ có nhiều biến động

Theo dự báo, trong thời gian sắp tới, tình hình xuất khẩu của các ngành hàng sẽ có nhiều biến động, thuận lợi và khó khăn khác nhau. Trong đó, đối với rau quả, theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong quý 2, xuất khẩu rau quả có thể tăng 10%, thậm chí cao hơn. Năm 2023, ngành rau quả có thể sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm ngoái. Phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD.

Đối với gạo, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo quý 2 của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên, nên giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao.

Trong khi đó, đối với cà phê, dự báo tốc độ tăng giá cà phê thế giới sẽ chậm lại do lo ngại lạm phát ở châu Âu và lãi suất ở Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng khiến mức tiêu thụ cà phê sẽ giảm.

Với hồ tiêu, theo Hiệp hội hồ tiêu quốc tế, dự báo giá hạt tiêu thế giới sẽ không có sự biến động mạnh. Nguồn cung hạt tiêu dồi dào, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và một số thị trường khác tăng bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Hoa Kỳ và EU. Hiện các nhà nhập khẩu có dấu hiệu tăng cường mua hàng với những đơn hàng xa trong quý 3, 4/2023, tuy nhiên, lượng giao dịch không nhiều.

Đặc biệt, đối với nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là thủy sản, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Cụ thể như: giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn Độ và Ecuador, làm giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.

Trung Quốc mở cửa lại sau chính sách Zero Covid nhưng cạnh tranh cao vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước khác cũng tập trung xuất khẩu vào thị trường này sau mở cửa.

Lạm phát và suy thoái kinh tế trên thị trường thế giới dẫn tới việc người dân thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn này và có xu hướng tiêu thụ sản phẩm có giá thấp hơn khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản giảm sút.

Đối với gỗ và sản phẩm gỗ, lạm phát ở Hoa Kỳ tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, có thể kéo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ tiếp tục giảm sâu trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu vừa đưa ra Dự Luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Theo đó, ngành gỗ sẽ chịu tác động lớn bởi quy trình này. Dự luật này sẽ có hiệu lực thi hành vào khoảng tháng 12/2024 hoặc chậm nhất tháng 1/2025.

Càng khó khăn, thách thức càng “dốc hết sức”

Để gỡ khó cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường thế giới; tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản, tổ chức các diễn đàn kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ rau, gia vị sang thị trường EU; tổ chức chuỗi các sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh,...

Riêng đối với ngành hàng thủy sản, VASEP cho biết, sẽ tập trung vào các thị trường có nhu cầu lớn như Trung Quốc, tận dụng lợi thế địa lý đẩy mạnh xuất khẩu hàng tươi, sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch, khi thị trường thích nghi với bối cảnh mới.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành NN&PTNT xác định, càng khó khăn, thách thức càng “dốc hết sức” thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển.

Nêu giải pháp cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, trong chăn nuôi, bên cạnh tăng cường nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ngành triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến giá cả. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như: ngô, sắn… tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.

Để đảm bảo mục tiêu kế hoạch năm 2023 về thủy sản, ngành sẽ có kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản trước diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các địa phương triển khai nghiêm các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp.

Tất cả các khâu từ giống, quy trình canh tác, chăm sóc, thú y phòng bệnh đến sơ chế, đóng gói… đều phải thông suốt thì mới có thể nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt, vượt qua khó khăn trước mắt và lâu dài để Việt Nam có nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

M.H (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Displaying 1141-1150 of 1275 result(s).
TitleCategory
General
General
General
General
General
General
General
General
General
General
Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events