Hiện nay, xuất khẩu gỗ đang đối diện với khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu suy giảm đến gần 30%, cao hơn tốc độ giảm chung của cả nước (13%). Khó khăn đang bủa vây, cùng một lúc xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang cùng lúc lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, xuất hiện rào cản mới của thị trưởng EU…
Trong những năm gần đây, ngành gỗ phát triển rất nhanh về xuất khẩu. Năm 2010, xuất khẩu toàn ngành mới chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, đến năm 2022 là 16 tỷ USD và hiện nay là ngành xuất khẩu thứ 6 trong những ngành xuất khẩu chủ lực.
Sản phẩm gỗ đã có mặt ở 140 quốc gia và là một trong những cường quốc xuất khẩu đồ gỗ, xếp thứ 1 ở ASEAN, thứ 2 ở châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, xuất khẩu gỗ đang đối diện với khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu suy giảm đến gần 30%, cao hơn tốc độ giảm chung của cả nước (13%).
6 tháng đầu năm 2023 giảm 28,8% so với cùng kỳ
Theo số liệu của Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản của Bộ Công Thương, ước tính, trong tháng 6/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng 5/2023 và giảm mạnh 26,2% so với tháng 6/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 728 triệu USD, giảm 4,3% so với tháng 5/2023 và giảm 23,4% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân là do các doanh nghiệp đều trong cảnh khan hiếm đơn hàng, chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sụt giảm là thị trường Hoa Kỳ - thị trường chủ lực của ngành gỗ đã giảm 35% về kim ngạch do sức mua kém, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, ngành gỗ đã phải đối diện với các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2020 và đến nay, sau 7 lần trì hoãn, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
Đáng chú ý, thị trường EU chiếm khoảng 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ với giá trị xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 500 triệu USD. Mặt hàng chủ yếu doanh nghiệp gỗ Việt Nam xuất sang thị trường này là các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ. Mặc dù EU là thị trường tiềm năng nhưng rất khó tính hơn khi thiết lập các tiêu chuẩn xanh, trong đó có quy định cấm nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ phá rừng.
Quy định mới của Ủy ban châu Âu (EC) là muốn dùng động lực thị trường nhằm thúc đẩy cơ quan công quyền và người dân, doanh nghiệp các nước có trách nhiệm hơn nhằm góp phần làm giảm mất rừng và suy thoái rừng. Các sản phẩm nội, ngoại thất hoặc các loại ván công nghiệp là các mặt hàng bị điều tiết bởi quy định này.
Một rào cản nữa đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ là đến thời điểm này vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, số tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp trong ngành chưa được hoàn trả là 6.100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hết sức khó khăn khi không được hoàn thuế, thiếu vốn để xoay xở và hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khan hiếm đơn hàng.
Rà soát các vướng mắc để tháo gỡ khó khăn
Thế nhưng theo nhận định của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thì khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, do khó khăn chung của thị trường vì nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu vẫn gia tăng mỗi năm từ 7-8%.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, theo các doanh nghiệp chế biến gỗ, việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp cận khách hàng là một trong những giải pháp thiết thực.
Thực tế, gỗ và sản phẩm từ gỗ đã có mặt trên 140 thị trường khác nhau. Điều này cho thấy, các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần rất tích cực trong thành tích này. Tuy nhiên, theo ông Ngô Sỹ Hoài, các giải pháp xúc tiến thương mại từ trước đến nay ta vẫn làm lại chưa đủ lớn, mạnh. Theo đó, xúc tiến thương mại nên được triển khai ở cả cấp quốc gia, cấp hiệp hội và doanh nghiệp cụ thể.
Ở cấp quốc gia, các giải pháp xúc tiến thương mại cần được thực hiện để làm sao tăng thương hiệu, uy tín, lòng tin của khách hàng với sản phẩm gỗ của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các bạn hàng trên thế giới thường sẽ soi rất kỹ nguyên liệu đầu vào của ngành. Hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia bằng mọi cách phải phát đi thông điệp là doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang kiên trì theo đuổi thương mại xanh, công nghiệp xanh.
“Đối với các doanh nghiệp thì cần có sự đầu tư. Trong bối cảnh khó khăn, có thể có nhiều thị trường nhỏ nhưng ta vẫn cần làm. Và bài học muôn thuở là không ‘bỏ trứng vào một giỏ’. Các doanh nghiệp phải có bộ phận xúc tiến thương mại và cần dành ưu tiên về tiền bạc và nhân lực cho xúc tiến thương mại trong tương lai” - ông Ngô Sỹ Hoài lưu ý.
Đề cập đến giải pháp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập đề nghị, các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá về các hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam; cung cấp các thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ đồ gỗ quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong việc mở công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng ở các thị trường tiềm năng. Đây là nền tảng cơ bản cho việc phát triển thị trường.
Ông Đỗ Xuân Lập cũng đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế rà soát lại các vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành để gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo dòng tài chính để kí kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp hiện có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện.
M.H (tổng hợp)
Title | Category | Created On |
---|---|---|
Exports sets a record US$ 400 billion | General | 2025-02-05 14:07:18 |
Highlights of imports and exports in 2024 | General | 2025-02-05 14:00:39 |
Grasping the green transformation trend - A survival opportunity for Vietnamese Enterprises | General | 2025-02-05 13:50:49 |
Complying with regulations of each market for smooth fruit and vegetable exports | General | 2025-02-05 13:36:03 |
Coconut export enter acceleration cycle | General | 2025-01-07 14:39:26 |
A Quick Intro |
Search Trade Information
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Feature Information
|
|
|
|
|
|
|
Information & Articles
|
|
|
|
|
|
|
Contact Us! If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message >>>
|