Latest articles

Xuất khẩu những tháng cuối năm: Kỳ vọng từ xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện


Xuất khẩu những tháng cuối năm:  
Kỳ vọng từ xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện

Là mặt hàng có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện 9 tháng năm 2023 ước đạt 41,2 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với điện thoại các loại và linh kiện, 2 mặt hàng chủ lực này đã chiếm tới 31% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tăng trưởng vượt dệt may

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Đồng thời là thước đo trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã tăng gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay (năm 2020 chiếm 15,8%, năm 2021 chiếm 15,1% và năm 2022 chiếm 15%). Năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam là: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy vi tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giầy dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng và thủy sản.

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 của Việt Nam. Và đến tháng 5/2023 thì mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã tiếp tục vượt qua điện thoại và linh kiện để trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (đạt 20,5 tỷ USD, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 20,2 tỷ USD).

Trong 9 tháng đầu năm nay, do vẫn bị ảnh hưởng bởi hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 và những khủng hoảng chính trị quân sự trên thế giới, nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng ước đạt 259,7 tỷ USD, tuy vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 9 đã có mức tăng dương với mức 4,6%, và đây là xu hướng tích cực trong 3 tháng giảm sâu gần đây (tháng 6 giảm 13,8%; tháng 7 giảm 3,4%; tháng 8 giảm 7,6%).

Trong đó, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%). Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang nỗ lực hồi phục sau dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt trong 9 tháng năm nay, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đều có sự gia tăng cả về lượng và giá trị. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Cơ hội đón sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chính thức nổ ra đầu năm 2018 thì triển vọng phát triển của ngành sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện được nhiều chuyên gia đánh giá là sáng sủa khi Việt Nam có cơ hội đón sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn. Dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp. Trong 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,9%, thấp hơn mức giảm 5,1% của 5 tháng, 4,6% của 6 tháng và 4,3% của 7 tháng. Đây là một tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2023, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp tích cực của ngành này vào sự phục hồi của cả nền kinh tế Việt Nam.

Để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có thêm các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, có thêm sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tăng cường vai trò, hiệu quả của các cơ quan đại diện thương mại, của các hiệp hội ngành nghề trong xúc tiến thương mại; tìm kiếm cơ hội kinh doanh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền và ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả, tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường xuất kh ẩu và thu hút đầu tư từ các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết...

Xuân Thảo


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events