Mỗi năm Việt Nam thu nhiều tỷ USD từ việc xuất khẩu các mặt hàng, song với tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư bài bản từ công nghệ đến quy trình sản xuất, từ đó giúp xuất khẩu bền vững.
Tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu
Mới đây, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã thông qua dự luật ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Dự luật có tên chính thức là Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR - EU Deforestation-free Regulation) nhằm cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.
Với quy định này, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là cà phê, khi nhập khẩu vào thị trường EU cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn… Như vậy, quy định khi có hiệu lực (dự kiến từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025) sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng trên.
Cũng từ ngày 1/10/2023, Liên minh châu Âu (EU) thực hiện thí điểm quy định mới, theo đó áp giá carbon đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước khác vào thị trường này. Mức giá cao hay thấp sẽ dựa trên tính toán lượng khí carbon phát thải ra nhiều hay ít để sản xuất mặt hàng đó. Trước mắt, quy định này sẽ được áp dụng với các mặt hàng có lượng phát thải carbon cao, mà EU xếp vào 6 nhóm sản phẩm là xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. Như vậy, bất cứ nước nào xuất khẩu những mặt hàng thuộc danh sách này sẽ chịu tác động từ cơ chế điều chỉnh carbon của EU.
Việc EU áp thuế carbon với hàng hóa nhập khẩu sẽ tác động đến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ. Trong khi đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Việc áp giá carbon là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và đã được các nước thành viên của Liên minh nhất trí thực hiện từ tháng 12/2022.
Ngoài ra còn nhiều quy định khác. Ngành dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu tác động trước tiên. "Liên minh châu Âu đang hướng đến mục tiêu loại bỏ văn hóa ‘tiêu thụ và vứt bỏ’, loại bỏ các sản phẩm có ‘vòng đời ngắn’ và nền kinh tế ‘tạo rác’. Những quy định này sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU", bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển cho hay.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm sẽ không chỉ trong ngắn hạn. Kinh tế tuần hoàn sẽ khiến đơn hàng ít đi, nhưng lại phải tăng cao về chất lượng để sản phẩm bền hơn, giảm rác thải. "Xu thế số lượng đơn hàng không tăng trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu kinh tế tuần hoàn. Thứ hai là yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, đời sản phẩm dài, được sử dụng nhiều", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay.
Theo ghi nhận, với 1 chiếc áo khoác thể thao xuất khẩu sang thị trường châu Âu, tất cả nguyên vật liệu để sản xuất ra chiếc áo khoác này từ vải cho đến khóa, thậm chí là những chiếc khuy nhỏ đều được sản xuất từ 100% nguyên vật liệu tái chế và có thể phân hủy được. Điều này được thể hiện rõ ràng bên trong thân áo in chi tiết. Đây là một trong những đòi hỏi mới từ thị trường quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cần phải thích ứng.
Giải pháp nào cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực?
Rõ ràng, các doanh nghiệp, các ngành hàng xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là các vụ việc phòng vệ thương mại sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đó là trong ngắn hạn, còn những đòi hỏi, những tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, của thị trường sẽ là dài hạn và không thể đảo ngược. Không còn cách nào khác, các doanh nghiệp đang phải xoay xở để thích ứng.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Càphê-Ca cao Việt Nam, thông tin việc truy xuất nguồn gốc khó khăn nhất là đối với các nông hộ. Thực tế, nhiều nông hộ có diện tích manh mún, phần lớn chỉ từ 0,5 ha trở xuống. Số diện tích này thực tế là hợp pháp nhưng việc chứng minh nguồn gốc không phải dễ, hơn nữa là vấn đề chi phí để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Song, với các doanh nghiệp đã đầu tư bài bản thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và bền vững cũng là cơ hội rất lớn để nâng cao giá trị và thương hiệu.
Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm rau quả sang EU cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn…
Các quy định nhập khẩu của EU đối với rau quả rất khắt khe và thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu để đáp ứng các quy định đưa ra. "Tất cả các cơ sở nông nghiệp của EU đang phải chuyển đổi theo hướng xanh hóa. Vì vậy, không có lý do doanh nghiệp của Việt Nam đứng ngoài những quy định này, đây là xu thế tất yếu trong tương lai," ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại tại Bỉ và EU khuyến cáo các doanh nghiệp.
Đối với việc áp giá carbon đối với hàng hóa xuất khẩu, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam lưu ý: "Các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị từ bây giờ để có thể xác định cách thức, xác định những khoản phí mà mình có thể sẽ phải nộp kể từ năm 2026. Tuy nhiên, trước tiên cần hiểu đây không phải quy định mà áp dụng đối với quốc gia cụ thể nào cả mà đơn thuần áp dụng đối với hàng hoá. Thế thì ở đây nó không giống Hiệp định thương mại giữa 2 khu vực kinh tế hay 2 khu vực khác nhau có sự ưu đãi hơn hay có sự phân biệt đối xử hơn, mà quy định này chỉ áp dụng toàn bộ hàng hoá mà thôi. Do đó, nếu hàng hoá không phải từ Việt Nam hay từ một quốc gia nào khác cũng phải chịu khoản phí tương tự".
Ông Nguyễn Hải Minh cũng cho rằng, hiện là thời điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung thay đổi công nghệ, tìm ra những giải pháp thân thiện với môi trường, ít xả thải hơn, để giảm thiểu chi phí.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã nhích tăng sau thời gian sụt giảm xuống đáy. Các thị trường lớn, đặc biệt là châu Âu đang "nội soi" ngày càng kỹ các sản phẩm gỗ từ Việt Nam với những quy định mới. Do đó, những đơn hàng tăng thêm chủ yếu rơi vào tay những doanh nghiệp đáp ứng tốt các tiêu chí về môi trường và đa dạng sinh học. "Nếu chúng ta đi trước và nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của EU thì có thể chúng ta sẽ một mình một chợ, trong khi các nước khác như tôi biết là đang có rất nhiều toan tính và do dự", ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.
M.H (tổng hợp)
Title | Category | Created On |
---|---|---|
Exports sets a record US$ 400 billion | General | 2025-02-05 14:07:18 |
Highlights of imports and exports in 2024 | General | 2025-02-05 14:00:39 |
Grasping the green transformation trend - A survival opportunity for Vietnamese Enterprises | General | 2025-02-05 13:50:49 |
Complying with regulations of each market for smooth fruit and vegetable exports | General | 2025-02-05 13:36:03 |
Coconut export enter acceleration cycle | General | 2025-01-07 14:39:26 |
A Quick Intro |
Search Trade Information
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Feature Information
|
|
|
|
|
|
|
Information & Articles
|
|
|
|
|
|
|
Contact Us! If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message >>>
|