Latest articles

Xuất khẩu khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ


Xuất khẩu khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Ngay trong những tháng đầu năm xuất khẩu gạo Việt tiếp tục khởi sắc, mang về giá trị hơn 1,4 tỷ USD. Bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu gạo vẫn còn gặp khó.

Tận dụng được nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xuất khẩu gạo trong quý 1/2024 đã mang về giá trị hơn 1,4 tỷ USD và thị trường Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam khi chiếm hơn 45% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo với hơn 1 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Indonesia với hơn 445.000 tấn, với giá trị hơn 285 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam tập trung vào loại gạo có giá trị cao như gạo thơm, đặc sản, gạo ST và gạo trắng cao cấp, những loại gạo này là thế mạnh trong cơ cấu sản xuất của Việt Nam.

Về giá, giá gạo xuất khẩu tại hầu hết các thị trường đều có mức tăng cao từ 25 - 160 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 3 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 134 USD/tấn so với cùng kỳ.

Kết quả này được ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định là do các doanh nghiệp đã tận dụng được nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống đang có xu hướng tăng trong thời gian qua.

Về triển vọng xuất khẩu gạo trong những tháng tiếp theo, ông Nguyễn Ngọc Nam cho rằng xuất khẩu gạo vẫn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường vẫn ở mức cao. Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng. Các quốc gia khác như Indonesia, Philippines, Malaysia sản lượng sản xuất giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Những tín hiệu xuất khẩu gạo khởi sắc đầu năm một phần do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; xâm nhập sâu vào các thị trường “khó tính” như châu Âu. Chính những điều này tiếp tục khẳng định chất lượng gạo Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu giống và xuất khẩu gạo của Việt Nam có trên 80% giống chất lượng cao, đặc sản đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của các nước nên việc linh hoạt rải vụ sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã giải tỏa áp lực thu hoạch, thu mua cho người dân, doanh nghiệp, điều này đã chứng minh qua các mùa vụ khi sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo đã gắn kết chặt chẽ với nhau.

Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng cho rằng, sản xuất lúa gạo của Việt Nam không chỉ quan tâm đến vấn đề xuất khẩu mà còn đảm nhận vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Hiện nay, sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung theo các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo hướng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đảm bảo nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến năm nay sản lượng lúa của Việt Nam đạt khoảng 43 triệu tấn, tương đương khoảng 20 triệu tấn gạo. Với số lượng gạo như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

"Dự kiến năm nay vẫn là trên 43 triệu tấn lúa, nếu chúng ta chia đôi cũng đạt 20 triệu tấn gạo thì đảm bảo an ninh lương thực và các nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chúng tôi dự kiến năm nay khoảng 7,3 triệu tấn xuất khẩu. Và 6 tháng đầu năm dự kiến 4,3 triệu tấn, như vậy vẫn đảm bảo được lượng xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp khẳng định vẫn đảm bảo được sản lượng lúa theo kế hoạch" - ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho biết, trong thời gian qua xuất khẩu gạo đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng cùng các Bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu gạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thị trường các nước nhập khẩu liên tục thay đổi chính sách. Điển hình như tại thị trường Philippines, các thương nhân ký hợp đồng song không nhận hàng và đề nghị giảm giá. Hay như thị trường Indonesia đang giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung gạo từ Việt Nam khi mở nhiều gói thầu nho cho các quốc gia khác như Malaysia. Tại thị trường châu Âu, ngày càng đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trong bối cảnh đó, để xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi, ông Nguyễn Ngọc Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo; nâng cao năng lực tổ chức của các hợp tác xã, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo; tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường.

M.H (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events