Latest articles

Nhiều điểm sáng trong kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2024


Nhiều điểm sáng trong kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2024

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây được xem là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 khi mà kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực.

Xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2024 tăng 15,7%

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 63,24 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, về xuất khẩu, tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,33 tỷ USD, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,76 tỷ USD, tăng 2,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước tính tăng 10,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,3%.

Trong quý 2/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý 1/2024. Tính chung 6 tháng đầu 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.

Xét theo mặt hàng, trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 có đến 38/45 (đạt 84,4%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 91,9% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Điện tử máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Cà phê, thủy sản, rau quả, gạo…

Trong 6 tháng năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).

Xét theo thị trường, trị giá hàng xuất khẩu tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ 2023, ở hầu hết các thị trường chủ lực của Việt Nam, như: Trung Quốc tăng 5,3%; Hoa Kỳ tăng 22,1%; thị trường EU tăng 14,1%.

Khu vực kinh tế nước ngoài tiếp tục duy trì vai trò dẫn dắt

Xét theo loại hình kinh tế Tổng cục Thống kê nhận định, khu vực kinh tế nước ngoài duy trì vai trò dẫn dắt với tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 lần lượt đạt 71,9% và 63,2%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 12,3%; nhập khẩu tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Song song, khu vực kinh tế trong nước phục hồi khá, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 20,7% so với cùng kỳ 2023, cao hơn mức tăng chung 6,2 điểm phần trăm (tăng chung 14,5%) và cao hơn 8,4 điểm phần trăm mức tăng của khu vực kinh tế nước ngoài (12,3%). Kim ngạch nhập khẩu tăng 22,3% so với cùng kỳ 2023, cao hơn 5,3, điểm phần trăm mức tăng chung (17%) và cao hơn 8,3 điểm phần trăm mức tăng của khu vực đầu tư nước ngoài (14,1%).

Tổng cục Thống kê cho biết, một số tổ chức quốc tế nhận định năm 2024 thương mại toàn cầu tăng, cầu tiêu dùng thế giới hồi phục, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm về mức mục tiêu… trong đó, Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2024 tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 2,5%; Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo thương mại hàng hóa thế giới tăng 2,6% so với năm 2023, do nhu cầu giao dịch hàng hóa tăng…

Thêm nữa, một số thị trường chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam, như: Hoa Kỳ và châu Âu (EU) các tháng đầu năm 2024 đang kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên, theo đó doanh thu bán lẻ hàng hóa duy trì xu hướng tích cực. Trong khi đó, các doanh nghiệp Samsung, Intel… duy trì xu hướng sản xuất phục hồi trong các tháng đầu năm 2024, kế hoạch sản xuất đều đạt tăng trưởng dương trong năm 2024; các doanh nghiệp ngành dệt may nhận đủ đơn hàng cho đến quý 3 và cuối năm 2024.

Doanh nghiệp tận dụng nhiều cơ hội của các hiệp định thương mại tự do

Theo Tổng cục Thống kê, có được kết quả như trên, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng nhiều cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam được thế giới tin dùng. Bên cạnh đó phản ánh xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, hoạt động sản xuất trong nước phục hồi, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới. Do vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê kiến nghị cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp sau: Đó là tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, đồng thời phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA; bên cạnh đó tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước. Đồng thời nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và các nước; thúc đẩy chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch…

M.H (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events