Latest articles

Kịch bản cao cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6,95%


Kịch bản cao cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6,95%

Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối tích cực so với các nước trong khu vực, trong đó, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với tiềm năng trong 4 quý liên tiếp.

Việt Nam đang được coi là điểm sáng của cải cách và hội nhập kinh tế

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ: Bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy những diễn biến thuận lợi và các vấn đề khó khăn, thách thức, song các khó khăn, thách thức là chủ yếu. Một mặt, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, giá không ít hàng hóa trên thị trường thế giới đã suy giảm. Các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đã phát triển nhanh chưa từng có tiền lệ, qua đó có thể tạo ra những đổi thay sâu sắc về kinh tế - xã hội ở nhiều nước.

Dù vậy, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất định liên quan đến kịch bản bầu cử và thay đổi chính sách kinh tế ở nhiều nước; xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực (trong đó có Nga-Ucraina, Trung Đông, Biển Đỏ); lãi suất điều hành duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến nhằm kiềm chế lạm phát; cạnh tranh chiến lược về khoa học, công nghệ, thương mại giữa các nước lớn (đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc); xu hướng gia tăng các quy định về phát triển bền vững và phòng vệ thương mại ở nhiều thị trường xuất khẩu.

Trong bối cảnh ấy, khu vực Đông Nam Á đang phục hồi và phát triển kinh tế khá năng động. Khu vực đã trở thành một điểm sáng trong thu hút FDI toàn cầu, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tích cực đa dạng hóa địa điểm đầu tư... Các nước trong khu vực đã tham gia tích cực trong việc đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN với các đối tác, cũng như trong quá trình ký kết các Hiệp định trong Khung khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) trong thời gian gần đây. Trong cuộc họp cách đây hơn 2 tuần tại Jakarta của các Viện trưởng các Viện thành viên của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), các nước ở khu vực đều đang tìm kiếm những chính sách, giải pháp “có chất lượng” để nhanh chóng vượt lên trong tiến trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động và khả năng chống chịu các cú sốc trong bối cảnh đầy biến động.

TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: Kể từ đầu năm 2024, Việt Nam đã ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và đạt được những kết quả khá ấn tượng. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt tới 6,42%. Lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng ở cả số dự án và vốn đăng ký cấp mới, tổng vốn đăng ký và vốn thực hiện.

Quan trọng hơn, Việt Nam đang được coi là điểm sáng của cải cách và hội nhập kinh tế. Các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển vùng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động song hành với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang trở thành những ưu tiên chính sách quan trọng. Bên cạnh 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang thực hiện hoặc đã hoàn tất ký kết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo thúc đẩy FTA với một số đối tác mới.

2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024

Đại diện nhóm nghiên cứu CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong năm 2024 so với năm 2023.

Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.

Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Báo cáo của CIEM đã tập trung phân tích thực trạng phát triển tài chính xanh và phát triển kinh tế ban đêm ở một số đô thị lớn ở Việt Nam. Trên cơ sở các phân tích, Báo cáo chỉ ra một số vấn đề cần giải quyết, và đưa ra kiến nghị chính sách đối với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, kịch bản thông thường với giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như đề ra trong nửa đầu năm 2024. Do đó, muốn đạt được tăng trưởng ở kịch bản cao, cần dựa trên bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn, như tăng trưởng phục hồi nhanh, nhà đầu tư gia tăng đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Về nội tại, đầu tư cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần có chuyển biến tích cực hơn nữa.

Để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tích cực, Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024” của CIEM đưa ra 3 kiến nghị chính sách, là: Cải thiện chất lượng tăng trưởng; Điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và Thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do - FTA.

CIEM khuyến nghị: Cần nâng cao chất lượng Hướng dẫn thực thi các Luật; Cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn (như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh); Tăng năng suất lao động ở khu vực công trở thành động lực kích thích năng suất lao động ở các khu vực kinh tế khác; Hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới (như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo). Về thực hiện hiệu quả các FTA, cần tập trung hơn vào tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì yêu cầu tuân thủ.

M.H (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events