News

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN lần thứ 33

Summary

Chiều 9/12, tại Hà Nội, ngay sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến Chủ tịch Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF) lần thứ 33, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả của Hội nghị.

Updated on : 15-12-2020


Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN lần thứ 33

 

 

image

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN (ngồi giữa) chủ trì họp báo.

ACMF sẽ đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững

Thông tin tại buổi họp báo, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, Hội nghị Chủ tịch ACMF lần thứ 33 diễn ra vào ngày 9/12/2020 là hoạt động cuối cùng trong chuỗi các hội nghị và sự kiện thuộc kênh ACMF năm 2020 mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chủ trì và điều phối. Đây cũng là sự kiện đánh dấu 1 năm kết thúc vai trò Chủ tịch ACMF của Việt Nam.

“Hội nghị cấp Chủ tịch Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN lần thứ 33 đã thành công tốt đẹp, góp phần tích cực vào thành công chung của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đặt nền móng cho sự phát triển của ACMF trong năm tiếp theo”- Ông Trần Văn Dũng nhấn mạnh.

Gắn với chủ đề quốc gia ASEAN của Việt Nam năm 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, trong vai trò Chủ tịch ACMF, UBCKNN đã ưu tiên thúc đẩy sáng kiến “Tài chính Bền vững” là chủ đề xuyên suốt của năm 2020.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN hoan nghênh các nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu hội nhập thị trường vốn trong khu vực ASEAN, làm sâu sắc hơn sự gắn kết của khu vực với cộng đồng quốc tế vì phát triển bền vững, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng và năng lực thể chế của ASEAN. Kết quả đầu ra của sáng kiến là “Lộ trình Phát triển bền vững Thị trường Vốn ASEAN” đã được hoàn thiện và báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN tổ chức vào đầu tháng 10/2020 với các định hướng chiến lược cho việc xây dựng lớp tài sản bền vững trong ASEAN để hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển bền vững của ASEAN trong 05 năm tới.

Cũng trong chủ đề “Tài chính Bền vững”, Hội nghị đã thảo luận và thống nhất ACMF sẽ đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững để tạo thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu cho các mục tiêu liên quan đến bền vững. Việc đưa ra các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững cũng nhằm mục tiêu hoàn thiện bộ công cụ phát hành trái phiếu của ASEAN, trong đó có các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững đã được ACMF đưa ra trong giai đoạn 2017-2018.

Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của hệ sinh thái tài chính bền vững trong khu vực, Hội nghị cũng thống nhất ACMF sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng một Hệ thống Phân loại xanh, bền vững của ASEAN.

Lãnh đạo các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN cũng đánh giá cao vai trò chủ trì và điều phối của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam trong việc chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán và thành viên thị trường các nước ASEAN để xây dựng Kế hoạch Hành động ACMF giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đạt được Tầm nhìn ACMF 2025 trở thành một thị trường vốn ASEAN liên kết, toàn diện và linh hoạt.

Hội nghị đã thông qua 5 ưu tiên chính của Kế hoạch Hành động tập trung vào: thúc đẩy cao hơn mức độ minh bạch và công bố thông tin; tiếp tục hài hòa hóa các quy định /khuyến khích các thoả thuận công nhận lẫn nhau xuyên biên giới khu vực ASEAN; tăng cường xây dựng năng lực; tăng cường trao đổi và nhận thức; và tăng cường hợp tác và phối hợp.

image

Toàn cảnh phiên họp báo

Tại Hội nghị, các lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN tái khẳng định các cam kết để đảm bảo dòng chảy liên tục của thị trường dịch vụ tài chính và tin tưởng rằng đoàn kết và hợp tác là chìa khóa giúp ASEAN chiến thắng đại dịch và khôi phục tăng trưởng khu vực, đồng thời cam kết tiếp tục thực hiện các ưu tiên hợp tác, phối hợp chính sách giữa các nước trong khu vực, cùng với các tổ chức tài chính quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường ổn định tài chính trong khu vực ASEAN.

Năm 2021, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Brunei sẽ là Chủ tịch tiến trình Hội nghị Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN 2021.

Việt Nam có thể đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước năm 2025

Tại buổi họp báo, Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã giải đáp nhiều câu hỏi của phóng viên báo chí về những nỗ lực của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam trong việc chủ động thích ứng để phát triển thị trường vốn trong trạng thái bình thường mới; việc họp bàn để đưa ra tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững; thông tin về việc nâng hạng thị trường của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như định hướng phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh của Việt Nam trong thời gian tới.

image

Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng trả lời phóng viên tại buổi họp báo

Về câu chuyện nâng hạng thị trường, ông Trần Văn Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trước năm 2025. Trong các tổ chức xếp hạng thị trường có MSCI và FTSE Russell, trong đó, FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng được vài năm. Kết quả mới nhất là FTSE Russell vẫn giữ Việt Nam trong danh sách này.

Theo đánh giá của Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sẽ có một số điểm tích cực trong năm 2021. Thứ nhất, việc cả Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ cùng có hiệu lực từ 1/1/2021 sẽ tạo ra môi trường đầu tư minh bạch hơn. Đây là điểm cộng cho nền kinh tế Việt Nam. Thứ hai, năm 2021, việc đưa hệ thống công nghệ thông tin do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM làm chủ đầu tư đi vào hoạt động sẽ giúp thực hiện được một số nghiệp vụ như giao dịch trong ngày, giao dịch chứng khoán chờ về,…- đây.là những nội dung mà nhiều tổ chức xếp hạng đang trông đợi. Ngoài ra, trong năm 2020, với sự công nhận và thăng hạng của Kuwait, tỷ trọng trong rổ Frontier Market của Việt Nam được tăng lên rất nhiều (khoảng 26%), thu hút được sự quan tâm khá lớn của các nhà đầu tư quốc tế. Trong rổ chỉ số của MSCI, FTSE Russell, các loại cổ phiếu của Việt Nam có vào, có ra nhưng cơ bản là thêm vào.

“Với những động thái như vậy, chúng tôi tin tưởng rằng việc xem xét Việt Nam nâng hạng là đang có nhiều thuận lợi. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2025 theo mục tiêu của Chính phủ đề ra.”- Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tin tưởng.

image

Phóng viên VTV24 đặt câu hỏi tại buổi họp báo

Thông tin thêm về việc nâng hạng, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp tích cực với Ngân hàng thế giới, đặc biệt trong mối quan hệ cập nhật thông tin với MSCI, FTSE Russell cũng như phối hợp vói các tổ chức này đưa ra giải pháp phù hợp với thị trường Việt Nam và có học hỏi kinh nghiệm một số thị trường mới được nâng hạng gần đây. Ngày 17/12/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tham gia họp trực tuyến với FTSE Russell để cập nhật các chính sách liên quan đến Luật, Nghị định, tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời tìm hiểu từ FTSE Russell về thực tiễn các thị trường mới được nâng hạng gần đây. Đây sẽ là tiền đề để tiếp tục làm việc với MSCI để lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là thực tiễn của MSCI trong việc đánh giá nâng hạng thị trường trong bối cảnh Covid-19.


Most Recent News


Search All News

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events