Latest articles

Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu


Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

Ngày 12/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập”, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để làm cơ sở pháp lý triển khai 07 nội dung cải cách cơ bản đã được phê duyệt, bao gồm:

- Cải cách 1: Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu;

- Cải cách 2: Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra;

- Cải cách 3: Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu;

- Cải cách 4: Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra;

- Cải cách 5: Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp;

- Cải cách 6: Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm;

- Cải cách 7: Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng dự thảo Nghị định và đã lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp. Với những nội dung cải cách đã được thể chế hóa tại dự thảo Nghị định, theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cụ thể, trong 01 năm thực hiện Nghị định, ước tính số tiền tiết kiệm được cho doanh nghiệp nhờ cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và chi phí, thời gian khác sau đơn giản hoá đạt trên 1.400 tỷ đồng (xấp xỉ 60,1 triệu đô-la Mỹ), giá trị tiết kiệm chung cho nền kinh tế đạt 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu đô la Mỹ).

Dự thảo Nghị định đã được Văn phòng Chính phủ 02 lần tổ chức lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cũng đã 01 lần chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành. Trong năm 2021 và 2022, Bộ Tài chính đã 05 lần có các Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định số: 144/TTr-BTC ngày 16/8/2021; 198/TTr-BTC ngày 01/11/2021; 12510/BTC-TCHQ ngày 01/11/2021; 16/BC-BTC ngày 04/01/222; 169/TTr-BTC ngày 27/7/2022; 203/TTr-BTC ngày 09/09/2022.

Tổng hợp các lần tham gia ý kiến của các Bộ, ngành, về cơ bản, các Bộ, ngành đều nhất trí với dự thảo Nghị định. Riêng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế vẫn còn có ý kiến chưa thống nhất với dự thảo Nghị định.

Ngày 21/11/2022, Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp với các Bộ về dự thảo Nghị định. Ngày 23/11/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận số 360/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định như sau:

“Đánh giá cao Bộ Tài chính chuẩn bị kỹ càng; tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, cầu thị các ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, thẩm tra của Văn phòng Chính phủ; trình dự thảo Nghị định theo quy định. Ý kiến các bộ, ngành là tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm, có chất lượng.

Cơ bản thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị định, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đến nay, dự thảo Nghị định đã được đa số Thành viên Chính phủ biểu quyết nhất trí thông qua.

Những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao thì đưa vào Nghị định; những vấn đề thực tế có vướng mắc, thực sự cần tháo gỡ thì cần rà soát, xác định các nội dung, phạm vi vấn đề sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

        Nhất trí về nguyên tắc thống nhất một đầu mối trong hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và các nội dung cải cách quy định tại dự thảo Nghị định; việc điều chỉnh tại dự thảo Nghị định đối với hàng hóa nhóm 2 công bố hợp quy theo biện pháp 2a (dựa trên kết quả tự đánh giá sự phù hợp và biện pháp 2b (dựa trên kết quả của tổ chức chứng nhận, giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận), hàng hóa vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra chất lượng và/hoặc kiểm tra an toàn thực phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và quy định kiểm tra theo mặt hàng; cắt giảm thời gian, chi phí, thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu; bảo đảm phù hợp với các Luật chuyên ngành, tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

        Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần sớm ban hành để thực hiện. Những nội dung vượt quá thẩm quyền quy định của Chính phủ, giao các bộ, ngành rà soát, tổng hợp, đề xuất sửa đổi các Luật và các văn bản có liên quan.

        Giao các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tảivà các bộ, cơ quan có liên quan rà soátdanh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ để đề xuất thay đổi phương thức kiểm tra và đưa ra khỏi danh mục các sản phẩm, hàng hóa không cần thiết, bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý.

        Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, thống nhất dự thảo theo ý kiến chỉ đạo nêu trên, trình trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2022.

        Giao Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ cơ quan có liên quan trong quá trình hoàn thiện và xem xét, ký ban hành Nghị định.” 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ký ban hành.


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events