Latest articles

Quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử


Quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Đánh giá thực trạng hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin tại Việt Nam trong những năm qua, hoạt động thương mại điện tử có sự tăng trưởng nhanh chóng và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động kinh doanh, trao đổi mua bán hàng hoá trên không gian mạng diễn ra ngày càng sôi động. Thương mại điện tử đã và đang góp phần quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế số như một xu thế không thể đảo ngược. Do đặc điểm của hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử thường là hàng hóa nhỏ lẻ, trị giá thấp, hàng hóa của cá nhân, sử dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa đơn giản, thuận tiện, các lô hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử số lượng nhiều và tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Vì vậy, trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cơ quan quản lý nhà nước cũng như người khai hải quan, người mua hàng gặp các vướng mắc sau:

1.1 Về thủ tục hải quan

a) Hồ sơ hải quan: Do hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử, vì vậy, người mua hàng gặp khó khăn trong việc cung cấp chứng từ cho cơ quan hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan, đặc biệt là các chứng từ nhằm chứng minh trị giá giao dịch của hàng hóa, cơ sở để cơ quan hải quan thực hiện tính thuế.

b) Đánh giá rủi ro: Theo quy định hiện hành cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Để có thể đánh giá được rủi ro thì cơ quan hải quan phải có các thông tin liên quan đến người xuất khẩu, người nhập khẩu, loại hàng hóa, .... Tuy nhiên, do người mua là cá nhân, việc mua bán không thường xuyên vì vậy, cơ quan hải quan gặp rất nhiều khó khăn trong việc có thông tin trước khi hàng đến để thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

c) Áp lực tốc độ thông quan hàng hóa: Do việc mua bán hàng hóa qua thương mại điện tử rất thuận lợi, vì vậy, số lượng các lô hàng nhỏ phải thực hiện thủ tục hải quan tăng nhanh, vì vậy, để đảm bảo tốc độ thông quan nhanh nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý là một áp lực cho cơ quan hải quan.

d) Công tác thống kê đánh giá của cơ quan hải quan: Theo quy định hiện hành chưa có chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan để cơ quan hải quan thực hiện việc thống kê đánh giá riêng đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, vì vậy, việc thống kê, đánh giá riêng đối với hàng hóa giao dịch thương mại điện tử xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.

1.2. Về việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu

a) Số lượng các văn bản quá nhiều: Số lượng các văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành quá nhiều vì vậy, một cá nhân mua hàng hóa qua thương mại điện tử không thể biết được hàng hóa của mình khi thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu có phải kiểm tra chuyên ngành hay không và nếu phải kiểm tra thì thực hiện theo văn bản nào?

b) Về thủ tục cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành:

Theo các văn bản liên quan đến lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa thường giao dịch qua thương mại điện tử của cá nhân nhận thấy:

- Không có quy định miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử phục vụ mục đích cá nhân không dùng cho mục đích kinh doanh. Do đó, các sản phẩm thông thường được mua bán qua thương mại điện tử khi nhập khẩu vẫn phải chịu sự quản lý của các đơn vị chuyên ngành.

- Về hồ sơ cấp phép của các đơn vị quản lý chuyên ngành chỉ phù hợp với đơn vị thực hiện nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh còn nếu cá nhân, tổ chức nhập khẩu chỉ nhằm mục đích sử dụng cho cá nhân thì không có giấy tờ đáp ứng đủ điều kiện để được cấp phép.

- Về thủ tục cấp phép: Thủ tục phải đầy đủ qua các bước nhằm đảm bảo các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra được chất lượng của sản phẩm đang quản lý, vì vậy thời gian cấp phép kéo dài.

1.3. Về việc xác định trị giá hải quan

Theo quy định về việc xác định trị giá hải quan thì hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử người mua là cá nhân rất khó có đủ chứng từ để chứng minh trị giá với cơ quan hải quan. Vì vậy, trong trường hợp các cá nhân thực hiện mua hàng tại thời gian giảm giá mạnh nhưng người mua không đủ chứng từ chứng minh thì cơ quan hải quan không đủ cơ sở để xác định trị giá tính thuế dựa trên trị giá thực thanh toán (giá đã giảm) mà sử dụng các phương pháp xác định trị giá theo quy định để thực hiện tính trị giá hải quan, xác định số tiền thuế phải nộp.

Những công việc Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện

Nhận thấy được mức độ quan trọng của việc tạo thuận lợi cũng như việc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, ngày 26/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1254/QĐ-TTg  trong đó giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 431/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu. Theo đó, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định trình Chính phủ ban hành về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Ngày 26/2/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử, giao Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ Nghị định trong quý IV/2021.

Ngày 31/12/2021, Bộ Tài chính có tờ trình số 249/TTr-BTC về việc ban hành Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; Ngày 10/5/2022, Bộ Tài chính có tờ trình số 102/TTr-BTC về việc chỉnh, lý bổ sung tờ trình số 249/TTr-BTC sau khi rà soát giữa Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ.

Ngày 12/9/2022, Bộ Tài chính có công văn số 9046/BTC-TCHQ giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Hiện dự thảo đang được Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để trình ký ban hành. Sau khi Nghị định được ban hành sẽ giải quyết các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, người mua, người bán hàng thương mại điện tử cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước.

Các nội dung chính của Nghị định.

1. Quy định về Hệ thống

Hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang thực hiện trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (Hệ thống VNACCS), về cơ bản Hệ thống đang đáp ứng yêu cầu quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tuy nhiên đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có các đặc trưng riêng là nhỏ lẻ, thời điểm mua chủ yếu vào thời điểm giảm giá, hàng hóa được giao đến tay người mua hàng, để quản lý được cũng như tạo thuận lợi cho hoạt động này, cơ quan hải quan cần thiết phải có thông tin về giao dịch mua bán, thông tin về thanh toán, thông tin về vận chuyển ... trước khi người khai hải quan làm thủ tục hải quan và tất cả các thông tin này phải được cập nhật, xử lý trên Hệ thống. Từ yêu cầu thực tiễn trên, cơ quan hải quan cần xây dựng Hệ thống đảm bảo việc thuận lợi cho người khai hải quan thực hiện khai hải quan, cơ quan hải quan theo dõi, quản lý được hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử đồng thời, hệ thống phải hiện đại phù hợp với sự phát triển của thương mại điện tử.

2. Quy định về quản lý thuế

a) Quy định về việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử để đảm bảo việc thuận lợi cho người mua tại Việt Nam, tăng tốc độ thông quan hàng hóa (do không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến nộp thuế), tránh việc lợi dụng việc miễn thuế để chia nhỏ hàng hóa, gian lận thương mại, cụ thể tại dự thảo Nghị định quy định:

“1. Hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được miễn thuế nhập khẩu bao gồm:

a) Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2.000.000 đồng Việt Nam trở xuống;

b) Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 2.000.000 đồng Việt Nam nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200.000 đồng Việt Nam;

Mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a, điểm b khoản này không quá 96.000.000 đồng Việt Nam/năm.”

b) Quy định về trị giá hải quan:

Dự thảo quy định về nguyên tắc xác định trị giá hải quan nhằm đảm bảo người mua hàng được xác định trị giá hải quan (trị giá tính thuế) dựa trên trị giá giao dịch thực tế giữa người mua và người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng.

3. Quy định về việc miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành.

Để đảm bảo việc thuận lợi cho người mua là cá nhân thực hiện mua hàng với số lượng nhỏ sử dụng cho mục đích cá nhân, dự thảo Nghị định quy định các trường hợp được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, cụ thể tại dự thảo Nghị định quy định: “Hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng mặt hàng trong đơn hàng từ 2.000.000 đồng Việt Nam trở xuống hoặc trên 2.000.000 đồng Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu đơn chiếc (trừ hàng hóa phải kiểm dịch, hàng hóa thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng hóa thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu) được miễn giấy phép, điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành nhưng tổng trị giá hàng hóa được miễn không quá 96.000.000 đồng Việt Nam/năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân.”

4. Quy định về thủ tục hải quan

a) Quy định về chia nhóm hàng hóa: hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được chia thành các nhóm khác nhau để có biện pháp quản lý phù hợp, dựa trên kinh nghiệm, thông lệ quốc tế và mức độ rủi ro đối với từng nhóm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử. Đối với hàng hóa xuất khẩu được chia thành 02 nhóm,

b) Quy định về thủ tục hải quan:

Thủ tục hải quan giữa các nhóm có sự khác biệt, nhóm hàng hóa được cơ quan hải quan xác định có độ rủi ro thấp thì được khai nhiều đơn hàng trên một tờ khai hải quan để đảm bảo tăng tốc độ thông quan của hàng hóa, hàng hóa được cơ quan hải quan xác định có độ rủi ro cao (có thuế, chịu sự quản lý chuyên ngành) thực hiện khai 01 đơn hàng trên 01 tờ khai, số lượng các chỉ tiêu khai trên tờ khai hải quan cũng khác nhau giữa các nhóm hàng hóa.

Do có Hệ thống quản lý đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử vì vậy, về nguyên tắc người khai hải quan chỉ khai duy nhất 01 lần đối với 01 chỉ tiêu thông tin, các thông tin đã được khai vào Hệ thống thì Hệ thống hỗ trợ người khai để không phải thực hiện khai lại.


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events