Latest articles

Tác dụng đa chiều từ EVFTA, CPTPP


Tác dụng đa chiều từ EVFTA, CPTPP

Tận dụng tương đối hiệu quả EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nhưng trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng. Trong năm đầu thực thi EVFTA (từ 1/8/2020 - PV), thống kê cho thấy trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%. Sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA. Một điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, có 4/10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA. Song nhìn tổng thể cơ hội từ EVFTA, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), tỷ trọng xuất khẩu sang EU tăng chưa tương xứng và thương hiệu hoá Việt Nam tại EU vẫn còn hạn chế. Điều này cho thấy, dư địa thị trường EU còn rất lớn.

Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia bên ngoài EU. Đây chính là thách thức liên quan đến xuất xứ hàng hoá khi đưa hàng hoá vào thị trường EU.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn cơ hội mà EVFTA mang lại, ông Ngô Chung Khanh cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các tỉnh thành, xác định một đến hai mặt hàng chiến lược có thế mạnh của tỉnh, sau đó để cùng xây dựng các chương trình tuyên truyền hỗ trợ. Cùng với đó, Bộ sẽ có những buổi tọa đàm, tập huấn sát hơn để tuyên truyền cho doanh nghiệp song quan trọng hơn cả là sự chủ động từ doanh nghiệp.

Cơ hội rộng mở từ CPTPP

Ông Lương Hoàng Thái Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định CPTPP đã trải qua 3 năm thực thi với nhiều kết quả tích cực. Cơ hội đến từ thị trường các nước thành viên CPTPP vẫn còn rất lớn, dư địa để khai thác thị trường trong CPTPP còn nhiều. Điều này được minh chứng bằng việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP trong 3 năm qua liên tục duy trì ở mức 2 con số. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 10 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 45 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang các nước đối tác thuộc châu Mỹ lần đầu có FTA với Việt Nam như: Canada, Peru, Mexico cũng có kim ngạch tăng trưởng rất mạnh…

Theo chia sẻ của ông Ngô Chung Khanh, thời gian qua, kiến thức và hiểu biết của doanh nghiệp về FTA nói chung và hiệp định CPTPP nói riêng đã cải thiện đáng kể. Tỉ lệ các doanh nghiệp hiểu về Hiệp định CPTPP hay hiểu rõ về Hiệp định CPTPP đã tăng trưởng rất mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP nói chung và đặc biệt là sang ba thị trường FTA mới, tức thị trường chưa có FTA khi ký CPTPP là Canada, Mexico, Peru tăng trưởng rất mạnh và thặng dư thương mại từ riêng hai thị trường Canada và Mexico đã là một con số rất đáng kể. Tuy nhiên, dù xuất khẩu sang Canada, Mexico tăng giá trị nhưng tỷ trọng của hai thị trường này còn tương đối khiêm tốn. Cùng đó là những mặt hàng có tỷ lệ tận dụng tốt thì giá trị còn tương đối hạn chế.

Bên cạnh đó, nhìn rộng ra, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP cũng gặp phải một số hạn chế nhất định. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đó là quy tắc xuất xứ hàng hóa đối với một số mặt hàng ở trong CPTPP hiện nay được xem là chặt nhất so với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã là thành viên, chẳng hạn như quy tắc xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng dệt may là quy tắc xuất xứ 3 công đoạn từ sợi trở đi.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và chủ yếu nhập khẩu từ ngoài các nước CPTPP. Vì thế, dẫn đến một số các mặt hàng của Việt Nam chưa đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường này, bà Phạm Thị Ngọc Minh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận những thông tin thị trường, đặc biệt là những thông tin thị trường mới như là thị trường Canada, Mexico còn khá hạn chế. Vì vậy tỷ lệ mà để hưởng ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp vừa và nhỏ này không bằng những doanh nghiệp lớn. Theo ông Tô Hoài Nam, thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là nguồn lực của họ vẫn còn hạn chế.

Để tận dụng tối đa ưu đãi bà Phạm Thị Ngọc Minh cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu những thông tin về mặt hàng, về thị trường, về ưu đãi thuế quan của từng hiệp định để từ đó có thể nắm bắt được cơ hội. Với CPTTP, đó là quan tâm hơn đến quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định và đầu tư về nhân lực cũng như kinh phí trong việc lưu trữ hồ sơ để chứng minh xuất xứ hàng hóa cũng như chú trọng việc quảng bá hình ảnh sản phẩm, tập trung vào chế biến sâu sản phẩm, nâng cao hàm lượng chế biến sâu để từ đấy nâng cao giá trị của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý trong việc kết nối với các nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước cũng như là nguyên vật liệu trong khối để có thêm cơ hội để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa đặt ra, từ đó nâng cao, tận dụng ưu đãi thuế quan mà hiệp định mang lại.

Còn theo ông Ngô Chung Khanh, để tận dụng hiệu quả ưu đãi CPTPP trong giai đoạn tới, đầu tiên phải tăng được kim ngạch xuất khẩu, trong đó tập trung vào những nhóm ngành hàng có tỷ lệ tận dụng cao. Quy tắc xuất xứ mà Hiệp định CPTPP đưa ra là khá cao so với các FTA khác, nhưng từ khảo sát gần đây của VCCI về vấn đề các yếu tố nào cản trở doanh nghiệp Việt Nam tận dụng FTA, có đưa ra khoảng 7- 8 yếu tố, thì yếu tố lớn nhất không phải là quy tắc xuất xứ. Cụ thể, yếu tố cản trở lớn nhất là bất ổn của thị trường, thứ hai là liên quan đến các vấn đề về năng lực cạnh tranh, thứ ba liên quan đến thông tin, thứ tư mới là quy tắc xuất xứ. Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và kết hợp với việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các Hiệp định FTA đã ký kết nhằm tận dụng tốt các lợi thế và các chính sách ưu đãi về thuế quan. Đặc biệt, kết nối hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp trong tỉnh để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguyên phụ liệu trong nước phục vụ sản xuất.

M.H (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events