Latest articles

Bộ Tài chính ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP


Bộ Tài chính ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP

Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, theo đó phân công cụ thể các đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện từng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 33/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Tài chính.

Theo đó, đối với mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ Tài chính giao cho các đơn vị chức năng tổ chức theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp. Đồng thời, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách khác.

Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả thực thi TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2022. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp các TTHC; tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và các Chương trình, kế hoạch hành động triển khai các nhiệm vụ nêu trên đã được Bộ Tài chính ban hành

Thực hiện hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển quy phạm pháp luật để bảo đảm tính minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật

Nghị quyết nêu rõ Tổng cục Hải quan nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro; bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành; thay đổi phương pháp quản lý từ kiểm tra từng lô hàng sang kiểm tra theo mặt hàng. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhỏ để sử dụng nội bộ, nhất là các sản phẩm đã chuẩn hóa cao. Nghiên cứu, kiến nghị xây dựng pháp luật và nâng cao năng lực cho việc áp dụng phương thức kiểm tra tại nguồn và kiểm tra tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa. Nâng cấp, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, thực chất thủ tục điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia sau khi ban hành quy định pháp lý

Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định, và không dựa trên cơ sở khoa học; rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn, tránh trùng lắp, tránh lãng phí chi phí của xã hội.

Đối với nhiệm vụ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính chủ trì thực hiện.

Các đơn vị: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chủ trì chỉ đạo quyết liệt quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; chống chuyển giá, trốn thuế, quyết liệt thu hồi nợ thuế. Vụ Chính sách thuế, Cục Quản lý giá, Tổng cục Thuế triển khai nội dung nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí.

Tại kế hoạch này, lãnh đạo Bộ Tài chính giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý tài chính - NSNN; điều hành chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết, cấp bách, chậm phân bổ, chậm triển khai.

Đồng thời, rà soát để sớm đưa các nguồn lực chưa khai thác hiệu quả vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ, an toàn, hợp lý bội chi NSNN; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.

Kim Oanh


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events