Latest articles

Đáp ứng các yêu cầu mới để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc


Đáp ứng các yêu cầu mới để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường rất quan trọng đối với xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, đây không còn là thị trường dễ tính mà ngày càng được thắt chặt hơn với nhiều quy định nghiêm ngặt. Việc bắt kịp và thích ứng sẽ giúp nông sản, thủy sản Việt Nam ngày càng có chỗ đứng tại thị trường tỷ dân này.

Đẩy mạnh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch

Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản rất quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là thị trường lớn thứ hai trong xuất khẩu nông sản của nước ta. Trong đó, đối với mặt hàng rau quả, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng 45,38%; vải thiều, chiếm tỷ trọng trong 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài; thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80% lượng xuất khẩu ra nước ngoài. Sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với tỷ trọng 91,47%.

Những số liệu trên cho thấy, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, đây không còn là thị trường dễ tính mà ngày càng được thắt chặt hơn với nhiều quy định nghiêm ngặt.

Theo ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương, trong những năm qua, Trung Quốc đang ngày càng hoàn thiện bộ máy và tăng cường thực thi chính sách thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định. Trung Quốc cũng đã tiến hành việc tái cơ cấu bộ máy quản lý khi sáp nhập một phần chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Kiểm dịch, kiểm tra và Giám sát chất lượng (AQSIQ) vào Tổng cục Hải quan.

“Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này”, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nói.

Cũng theo ông Tô Ngọc Sơn, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây, nơi chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc. Do đó, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng cần tăng cường thực thi chính sách với tỉnh này nói riêng. Đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

 

Nắm chắc thủ tục xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện nay

Để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của thị trường Trung Quốc, theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với riêng Lệnh 249, đòi hỏi yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm rất cao, do đó, doanh nghiệp trong nước cần phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm).

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, để duy trì và thúc đẩy hoạt động giao thương sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện Lệnh 248, 249, đồng thời, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.

Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á- châu Phi khuyến cáo, thực tế, hiện nay, phía thị trường Trung Quốc đã có nhiều thay đổi với nhiều yêu cầu nghiêm ngặt và khó tính hơn, tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng cần sớm có những thông tin, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp về các quy định mới, hướng dẫn cụ thể về triển khai các thủ tục hồ sơ nhằm để đẩy nhanh việc xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

Ở chiều ngược lại, trước những thay đổi của thị trường Trung Quốc, từ “chủ động” vẫn là vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm. Chủ động trong nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường, chủ động trong việc triển khai thủ tục hồ sơ, chủ động trong nghiên cứu đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, chủ động trong việc tìm tòi, sản xuất các sản phẩm mới mà thị trường vừa có nhu cầu,…Đó chính là bước đi mà các doanh nghiệp cần triển khai để không gây cản trở khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Với sản xuất nông sản vốn mang tính thời vụ, do vậy, để đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc cần có thời gian để triển khai. Do đó, việc nắm bắt sớm các thông tin yêu cầu từ nước bạn là việc cần thiết của các doanh nghiệp để rút ngắn thời gian, đảm bảo được mục tiêu hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp.

Và một điều không kém phần quan trọng, bất kỳ một nước nhập khẩu nào cũng ưu tiên đến vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm của nông sản. Chính vì vậy, việc không ngừng nâng cao chất lượng nông sản và tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu của phía bạn về an toàn thực phẩm chính là kim chỉ nam để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của chính các doanh nghiệp. Cùng với đó là cải tiến mẫu mã, quy cách đóng gói ngày càng thu hút và tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.

Trung Quốc là một thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam, do đó, việc đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường này cũng chính là việc đang nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đây cũng chính là bước đi để từng bước đưa nông sản của Việt Nam tiếp tục vươn tầm thế giới, không chỉ tại Trung Quốc mà xa hơn là nhiều thị trường khó tính khác, qua đó, từng bước tăng doanh thu cho doanh nghiệp, thu nhập cho người nông dân và còn gia tăng thương hiệu, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

M.H (tổng hợp)

 


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events