Latest articles

Đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi


Đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD.

Nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển ngành chế biến thực phẩm

Đó là chia sẻ của ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023. “Với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển” - ông  Vũ Bá Phú nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, dù có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới nhưng các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, qua đường tiểu ngạch và đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc.

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng đề nghị: Hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

Xuất phát từ nhu cầu địa phương, ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ thông tin: Phú Thọ có diện tích và sản lượng chè và chuối lớn. Đây cũng là mặt hàng địa phương chú trọng xuất khẩu trong năm 2023, mục tiêu lớn nhất là thị trường Bangladesh. “Năm 2023 Phú Thọ đăng cai tổ chức hội nghị chuyên đề về xuất khẩu chè, thành phần tham gia dự kiến 50 doanh nghiệp, hiệp hội chè, Sở Công Thương và cơ quan xúc tiến thương mại các địa phương. Chúng tôi mong muốn đại diện Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tham gia và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa cho ngành chè Phú Thọ”, ông Đặng  Việt Phương mong muốn.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ lớn ở nước ngoài

Bà Nguyễn Thị Thu Liên, Trưởng Ban kết nối, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch tại Hà Nội bày tỏ mong muốn: Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành viên hiệp hội tham gia các hội chợ lớn ở nước ngoài giúp quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm và thương hiệu nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam; được kết nối với thương vụ ở các quốc gia và các vùng thị trường, mục tiêu cụ thể là thị trường Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thị Thu Liên cũng đề xuất: Thương vụ chia sẻ quy định của nước sở tại về các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, yêu cầu về bao bì… Để hiệp hội phân tích, rút ra thông tin thị trường cho hội viên.

Ông Lê Phú Cường, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia thông tin, có nhiều cơ hội cho thực phẩm chế biến của Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang Malaysia. Nguyên do: Thiếu hụt nguồn cung nội địa của Malaysia; hình thức bán lẻ của nước sở tại phát triển ngày một nhanh; thu nhập khả dụng của người dân có xu hướng cao, yêu cầu với sản phẩm chất lượng cao; người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Malaysia lớn là kênh quảng bá và tiêu thụ tốt mặt hàng thực phẩm chế biến.

Tuy nhiên, cũng như các quốc gia hồi giáo khác, thị trường Malaysia yêu cầu chúng chỉ Halal với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, quy trình này khá phức tạp và tốn kém cho doanh nghiệp. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia xác định phải cạnh tranh gay gắt với hàng hoá đến từ Trung Quốc, Australia… “Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang thị trường nước sở tại” - ông Lê Phú Cường cam kết.

Nỗ lực kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo hình thức B2B

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài việc đầu tiên cần nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, duy trì, mở rộng thị trường truyền thống, mở rộng danh mục và quy mô hàng hóa và giá trị xuất khẩu. Cân bằng thương mại với những thị trường truyền thống. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, nhất là hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Hợp tác trong việc mua nguyên liệu để phục vụ cho ngành sản xuất trong nước. Đồng thời tìm kiếm phát triển thị trường mới, tiềm năng.

Nhấn mạnh đến vai trò tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo hình thức B2B, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị thông qua hệ thống thương vụ để phổ biến các quy cách, tiêu chuẩn hàng hoá, tập quán tiêu dùng, tiếp cận phương thức sản xuất mới phù hợp và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư; Thương vụ kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong nước để tổ chức cho doanh nghiệp thương mại nước ngoài có cơ hội về thăm Việt Nam, tiếp cận vùng trồng, vùng nuôi và cơ sở sản xuất của Việt Nam. Ngược lại, tổ chức và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài và quảng bá sản phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các địa phương cố gắng cử đại diện là người thực hiện hoặc có quyền quyết định dự và thông báo, khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, hiệp hội ngành nghề tại địa phương tham dự Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ hàng tháng; Chỉ đạo quyết liệt để xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương và thực hiện thành công đề án xuất khẩu theo chính ngạch; Kết nối chặt chẽ hơn với các thương vụ để tổ chức doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương đi đến các thị trường ngoài nước và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu đến với địa phương mình để kết nối thương mại và đầu tư; Các địa phương thông qua các tổ chức, cơ chế có sự phân bổ để hỗ trợ trưng bày sản phẩm tại các phòng trưng bày sản phẩm của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Cuối cùng, để phát triển sản xuất, tổ chức xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu thương mại điện tử trong tương lai, trong xây dựng quy hoạch các địa phương cần chú trọng quy hoạch, đầu tư, phát triển hệ thống logistics phục vụ các hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử.

M.H (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events