Latest articles

​​​​​​​Kì vọng đột phá về xuất khẩu trái sầu riêng Việt Nam


​​​​​​​Kì vọng đột phá về xuất khẩu trái sầu riêng Việt Nam

Kể từ tháng 9/2022, trái sầu riêng Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Chỉ trong hơn 3 tháng cuối năm, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 40,8 nghìn tấn với tổng kim ngạch 188 triệu USD sang thị trường Trung Quốc. Qua đó, Việt Nam có thêm một loại trái cây được kì vọng đột phá về xuất khẩu mới cho ngành rau, quả, trái cây trong năm 2023.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có hơn 100.000 ha sầu riêng, cho sản lượng hơn 1,3 triệu tấn/năm. Trong tổng diện tích này, hai địa phương có diện tích đạt tiêu chuẩn xuất khẩu lớn nhất cả nước là Tiền Giang và Đắk Lắk.

Cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam

Theo ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, Trung Quốc là thị trường lớn có năng lực tiêu thụ mạnh. Ngoài việc người tiêu dùng ăn sầu riêng tươi, còn có nhiều nhãn hiệu bánh bao nổi tiếng dùng sầu riêng làm nhân bánh. Bánh bao vị sầu riêng bán rất đắt hàng. Sầu riêng còn được sử dụng để sản xuất đồ uống, bánh kẹo và đưa vào nhiều món ăn khác nhau. Chỉ với một vài đối tác nhỏ, công ty có thể tiêu thụ 500.000 tấn sầu riêng tươi mỗi năm, chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng sầu riêng của cả nước. Đây là một cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam.

Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xanh Sầu Riêng chia sẻ: Ngoài việc đưa sầu riêng đi các địa phương trong nước tiêu thụ, đơn vị vừa xuất khẩu 02 container đảm bảo tiêu chuẩn sang thị trường Trung Quốc. Việc ký kết nghị định thư giữa Bộ NN&PTNT và Trung Quốc đã mở ra hướng đi đầy triển vọng cho thị trường sầu riêng trong nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Ông Thắng cho biết thêm, với thị trường đầy tiềm năng như Trung Quốc, đầu ra sản phẩm ổn định, bà con sẽ yên tâm hơn trong việc đầu tư loại cây ăn quả này để phát triển kinh tế lâu dài. Sầu riêng đang là cây trồng có hiệu quả, lợi nhuận kinh tế cao giúp bà con thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Hiện nay, Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất sản phẩm sầu riêng tươi sang Trung Quốc, với 784 nghìn tấn và 3,84 tỷ USD trong năm 2022. Ngoài ra, Philippines cũng vừa được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Một số quốc gia trồng sầu riêng khác, như Campuchia..., cũng đang xúc tiến đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch.

Do vậy để thâm nhập và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường đông dân nhất thế giới, các vườn trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu và các địa phương cũng cần lưu ý nhiều vấn đề, để tránh gặp phải những trở ngại, vướng mắc trong quy trình xuất nhập khẩu, cũng như mở rộng phạm vi tiêu thụ tại Trung Quốc.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, mặc dù là thị trường quen thuộc với các loại nông sản của Việt Nam, nhưng phía nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng có nhiều yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu lẫn nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, nếu có sự gian lận trong chứng từ pháp lí phục vụ cho xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đình chỉ hoạt động thu mua, xuất khẩu để bảo vệ quyền lợi cho nông dân, đảm bảo uy tín với khách hàng Trung Quốc.

Tránh mở rộng ồ ạt, để không gặp phải các rủi ro không đáng có

Mặc dù quyết định mở cửa cho trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, trái sầu riêng có nhiều cơ hội xuất khẩu, nhưng không có nghĩa không tiềm ẩn rủi ro cho loại cây trồng này và rủi ro cho nông dân Việt Nam. Do đó, khi chưa có thêm nhiều khách hàng, chưa gia tăng sự lựa chọn đối tác, thì nông dân trồng sầu riêng cẩn trọng trong mở rộng diện tích, tránh tình trạng thừa cung, thiếu cầu, rơi vào bế tắc trong tiêu thụ.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, vừa qua Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho 51 mã số vùng trồng và 26 cơ sở đóng gói sầu riêng tại Việt Nam, đủ thủ tục xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Với hơn 100.000 ha sầu riêng, thì chỉ có 3.000 ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 3% tổng diện tích sầu riêng cả nước.

Mặc dù diện tích sầu riêng lớn, nhưng diện tích đủ tiêu chuẩn chất lượng và pháp lí phục vụ cho xuất khẩu còn rất nhỏ. Nếu các vùng nguyên liệu muốn đáp ứng xuất khẩu, bắt buộc phải hoàn tất các thủ tục pháp lý này, nếu không sẽ trở thành những vườn sầu riêng có nguồn cung lớn mà giá rẻ khi không bán được cho khách hàng nước ngoài. Hiện Trung Quốc mới chỉ đặt hàng 1,3 triệu tấn sầu riêng tươi/năm, tương ứng với vùng nguyên liệu được cấp mã số. Do đó, những hộ nông dân chưa đủ cơ sở pháp lý mà tự ý mở rộng vùng trồng, sẽ khó tiêu thụ được với giá cả mong muốn.

Thêm vào đó, việc Trung Quốc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Những vườn trồng mới mà lại có mã vùng trồng và có sầu riêng xuất khẩu ngay là một điều đáng ngại trong mối quan hệ hợp tác giao thương. Do đó, các doanh nghiệp cũng cẩn trọng trong việc thu mua nguyên liệu sầu riêng phục vụ cho xuất khẩu, vùng trồng có mã số cũng phải tương ứng với số năm tuổi cho trái của vườn. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới đảm bảo uy tín với khách hàng, bảo vệ mối quan hệ hợp tác bền vững cho trái sầu riêng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ thêm.

Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị đề nghị các địa phương kiểm soát quy hoạch, không để ồ ạt trồng sầu riêng dẫn tới hệ luỵ về thị trường và chất lượng nông sản. Trong quá trình sản xuất, người trồng sầu riêng cần tuân thủ các quy định về xuất khẩu để giữ vững thị trường và nâng tầm trái sầu riêng Việt Nam.

M.H (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events