Sự tồn tại của doanh nghiệp (DN) đang là câu chuyện lớn có nhiều khó khăn, đòi hỏi DN cần định vị lại các giá trị cốt lõi như năng lực cạnh tranh, năng lực công nghệ…
Tái định vị là yêu cầu bắt buộc để cạnh tranh
Đây là ý kiến của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Tái định vị DN để phát triển bền vững do Tạp chí Diễn đàn DN vừa tổ chức tại Hà Nội.
Ông Phạm Tấn Công cho biết, năm 2022, bình quân mỗi tháng có khoảng 12.000 DN phải rời khỏi thị trường thì hiện nay, bình quân 2 tháng đầu năm, số DN rời thị trường lên tới 25.700 DN.
Việc tái định vị DN để phát triển bền vững xuất phát từ câu chuyện về khả năng tồn tại và phát triển của DN đã thay đổi rất nhiều trong bối cảnh hậu COVID-19 và biến động chung của thế giới. Dịch COVID-19 đã gây ra sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất kinh doanh và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tiếp đó là những bất ổn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động rất nhiều đến các hoạt động kinh tế. Và từ đó, chính sách của các quốc gia có nhiều thay đổi.
Cùng với đó là những biến động trên thị trường tài chính ngân hàng thế giới... Điều này khiến các nhà DN phải đặt ra câu hỏi định vị lại DN của mình như thế nào để tồn tại và phát triển. Sự tồn tại của DN đang là câu chuyện lớn có nhiều khó khăn, đòi hỏi DN cần định vị lại các giá trị cốt lõi như năng lực cạnh tranh, năng lực công nghệ, cung cách quản trị của đơn vị mình. Bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý DN và với cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển DN cho rằng, để tái định vị DN phát triển ổn định và bền vững, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khoẻ thực tế của DN. Theo đó, tái định vị và phát triển bền vững DN không phải là vấn đề của riêng Nhà nước hay DN mà phải có sự kết hợp, hợp tác tích cực giữa DN và cơ quan quản lý Nhà nước.
Đại diện Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển DN nhấn mạnh, nhiều DN ở các ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay chưa có báo cáo đầy đủ, đánh giá cụ thể và tổng thể về những khó khăn, thách thức của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế. Từ đó, đề xuất kiến nghị Chính phủ có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn.
"Theo đó, để hỗ trợ DN một cách kịp thời, hiệu quả, chính xác, cần có kiến nghị, đề xuất của chính các DN, từ đó Chính phủ sẽ tạo cơ chế hỗ trợ để DN phát triển bền vững. Vì vậy, Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển DN mong muốn VCCI tiếp tục tổng hợp ý kiến, kiến nghị của DN nhiều hơn nữa", ông Nguyễn Hồng Long khẳng định.
Đẩy mạnh cải cách khuôn khổ pháp lý và thủ tục hành chính
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn.
Mới đây, cuối tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới của EU, là một phần trong kế hoạch hành động lớn hơn về một nền kinh tế tuần hoàn. EC đã trình bày một bản sửa đổi Quy định thiết kế sinh thái nhằm đặt ra các yêu cầu pháp lý đối với các nhóm sản phẩm khác nhau, bao gồm cả quần áo và giày dép.
Do đó, theo TS Trần Thị Hồng Minh, để tái cơ cấu, các DN Việt cần đánh giá lại kế hoạch kinh doanh của mình trong năm 2023, xác định cụ thể định hướng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bất động sản, tín dụng hiện nay.
"Trên cơ sở năng lực cụ thể của từng đơn vị, các DN xây dựng phải thực sự định vị lại thị trường, tái cấu trúc về cơ cấu sản phẩm, hoạt động kinh doanh của đơn vị mình để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này", bà Trần Thị Hồng Minh nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, Trưởng Ban Pháp chế đánh giá, nền kinh tế của một đất nước chỉ có thể phát triển vững mạnh nếu có khu vực kinh tế tư nhân trong nước vững mạnh. Chính vì thế, một số chính sách cần phải khơi thông.
Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh một số giải pháp như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi ngành, mọi cấp, giúp DN giảm chi phí, công bằng và hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững hơn. Áp dụng công nghệ thông tin một cách thực chất. Dù theo con số báo cáo, việc áp dụng công nghệ thông tin ở nhiều ngành, nhiều cấp rất cao nhưng thực tế việc thực hiện các thủ tục hành chính trên hệ thống điện tử không dễ dàng. Về khuôn khổ pháp lý tác động tới DN cần phải tăng tính ổn định có thể dự đoán, tránh rủi ro pháp lý cho DN.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, cần xây dựng giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, bảo hộ một cách hợp lý, hợp pháp nhưng thị trường trong nước cũng cần chính sách khôn ngoan. Việc ban hành những chính sách bảo hộ thị trường một cách phù hợp, khuyến khích DN trong nước phát triển là yếu tố rất quan trọng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, các DN xây dựng cần tập trung tái cơ cấu sản phẩm và đào tạo nhân lực. Ông Hiệp chia sẻ, từ giữa năm 2022, bất động sản gặp khó khăn kéo dài sang năm 2023 vì nhiều lý do. Nhiều nhà thầu đối mặt với nguy cơ phá sản, kể cả các nhà thầu lớn, không làm thì không có việc nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn…
Trước thực trạng đó, đại diện VACC cho rằng, để tái định vị giúp DN phát triển bền vững, khâu đầu tiên cũng là khâu then chốt là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu xây dựng trong quan hệ kinh tế với các chủ đầu tư trong lĩnh vực hợp đồng.
Thực tế, có các hợp đồng xây dựng không thể giải quyết bằng Luật Dân sự vì đã kéo dài cả chục năm và c&aa