Latest articles

TFP với nỗ lực cải thiện môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam


TFP với nỗ lực cải thiện môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam

          Dự án Tạo thuận lợi thương mại (TFP) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, sau 5 năm triển khai thực hiện (2018-2023) đã mang lại nhiều kết quả vượt bậc. Trong đó, TFP đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, đồng thời giảm thời gian và chi phí thương mại, thúc đẩy XNK.

Kết quả bằng con số cụ thể

Theo đánh giá Dự án TFP đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng, sửa đổi 43 văn bản chính sách pháp luật, trong đó có 37 văn bản đã ban hành liên quan thương mại; tổ chức 61 hoạt động đào tạo cho hơn 3.000 người thuộc cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân; tăng cường quan hệ đối tác Hải quan - DN với 3.622 người thuộc khu vực tư nhân đã tham dự các hoạt động đào tạo và tham vấn do TFP tổ chức; thu thập 9.000 câu trả lời khảo sát về mức độ hài lòng của DN trên toàn quốc để hỗ trợ đẩy mạnh cải cách.

Đặc biệt, Dự án TFP đã giúp Việt Nam đi đúng hướng để hoàn thành trước thời hạn các cam kết trong Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO-TFA). Theo đó, cơ quan Hải quan thực hiện 20/24 điều khoản của Hiệp định WTO-TFA và dự kiến sẽ tuân thủ 100% cam kết vào cuối năm 2024.

Ngoài ra, với những giải pháp, nỗ lực từ phía cơ quan Hải quan kể từ năm 2019 thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu đã giảm một nửa- từ 103,68 giờ xuống 54,8 giờ đối với hàng NK và từ 95,78 giờ xuống 38,4 giờ đối với hàng XK. Đặc biệt, chi phí của DN để hoàn thành thủ tục XNK hàng hóa tại cửa khẩu đã giảm từ 569 USD xuống 313 USD (đối với hàng NK) và từ 420 USD xuống 338 USD (đối với hàng XK).

Kết quả cho thấy, quá trình triển khai dự án đã hài hòa và đơn giản hóa các chính sách và thủ tục giữa các cơ quan của Chính phủ Việt Nam; tăng cường sự phối kết hợp giữa cấp trung ương và địa phương về các chiến lược tạo thuận lợi thương mại; tăng cường việc triển khai và phối hợp giữa ít nhất 5 địa phương cũng như hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ Hải quan tại địa phương; cải thiện quan hệ đối tác Hải quan- DN.

Ông Mai Xuân Thành, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án TFP cho rằng, một dự án đầy tham vọng với những giá trị mang lại không chỉ cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn cho cả cộng đồng DN.

Môi trường kinh doanh trở nên hấp dẫn

Nhìn lại 5 năm triển khai dự án TFP, bà Aler Grubbs, Giám đốc Quốc gia USAID tại Việt Nam cho biết, USAID vô cùng tự hào về những gì đã đạt được. Để có được những kết quả trên là sự nỗ lực từ Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan vì những cam kết kiên định đối với các mục tiêu chung và đã được chứng minh bằng những kết quả về tạo thuận lợi thương mại. Trong đó, thông qua Dự án TFP, những nỗ lực chung của hai bên đang giúp các DN và nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hoạt động dễ dàng hơn.

Dự án TFP đã hỗ trợ và thúc đẩy quá trình xây dựng văn bản chính sách, quy định liên quan đến thương mại và những cải cách này đã giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí thông quan. Ngoài thực hiện hoạt động trực tiếp, sự tham gia của khu vực tư nhân đang giúp cộng đồng DN có tiếng nói trong quá trình hoạch định chính sách, dẫn đến những cải cách hiệu quả và toàn diện hơn.

USAID mong muốn sẽ tiếp tục nỗ lực chung này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn nữa nhưng chắc chắn TFP sẽ đi cùng nền kinh tế của Việt Nam, tạo thuận lợi cho DN. Bởi những kết quả đầy ấn tượng mà Dự án TFP đã đạt được là một ví dụ điển hình về những thành quả trong quan hệ đối tác bền chặt giữa Việt Nam và Mỹ.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, TFP đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý hải quan và xây dựng các quy định về quản lý hải quan đối với các giao dịch qua thương mại điện tử và xây dựng Nghị định về kiểm tra chuyên ngành trong triển khai Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra chất lượng hàng hóa XNK theo Quyết định 38/QĐ-TTg. Đồng thời, dự án đã hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021-2030 và triển khai Đề án tái thiết kế hệ thống CNTT hải quan hướng tới mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Dự án đã hỗ trợ Bộ Tài chính nâng cao vai trò của Ủy ban Một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi thương mại quốc gia thông qua việc xây dựng cơ chế thực hiện các hoạt động tạo thuận lợi thương mại tại các địa phương. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hải quan thông qua các chương trình đào tạo về các lĩnh vực nghiệp vụ quan trọng. Đặc biêt, dự án còn hỗ trợ thực hiện quản trị Hiệp định WTO -TFA với việc đánh giá mức độ thực thi các cam kết nhằm chuyển đổi lộ trình cam kết thực hiện hiệp định phù hợp với tình hình triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam đã đạt được, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Còn theo ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án TFP, Dự án TFP đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn cho các DN, thương nhân và nhà đầu tư. Điều này ngày càng trở nên quan trọng khi thương mại phục hồi hậu Covid-19 và sẽ thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định WTO-TFA mà cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên. Bằng sự nỗ lực cải cách, TFP đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan và các cơ quan Chính phủ khác đạt được những thành tựu không nhỏ trong tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Nụ Bùi


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events