Latest articles

Thương mại điện tử xuyên biên giới- Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu


Thương mại điện tử xuyên biên giới- Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thông qua thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam có thể đạt đến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, sự chuyển dịch nền kinh tế số và xu hướng mua sắm thay đổi giúp đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa, góp phần đưa hàng Việt Nam vươn xa. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp có doanh số tăng lên đến 70-80% khi tham gia sàn thương mại xuyên biên giới.

Theo Báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT tại Việt Nam" do Access Partnership thực hiện, ước tính trong năm 2022 giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 80 ngàn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 ngàn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.

Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Một báo cáo khác do Amazon thực hiện, 2022 là năm nhiều thách thức với những biến động trên toàn cầu, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia Amazon vẫn tăng trưởng lên đến 80% và tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN Việt Nam thông qua Amazon cũng tăng 45%.

Không dễ gì doanh nghiệp Việt Nam tham gia được TMĐT toàn cầu

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT đang là trụ cột chính của kinh tế số và thể hiện qua doanh số bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Nếu như năm 2022, doanh số bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, kinh tế số Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD, dự kiến năm 2025, con số này có thể đạt 49 tỷ USD.

Dù vậy, nhà sản xuất, phân phối hàng Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng, khai thác hết tiềm năng thương mại điện tử toàn cầu do những yếu tố như chi phí tham gia, ngôn ngữ, luật pháp, chế tài của nước nhập khẩu…

Cũng theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận tới các nền tảng thương mại điện tử khổng lồ, đã phát triển mang tầm quốc tế như Amazon, Walmart, Alibaba,… vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường. Một số rào cản chính có thể kể đến như:

Thứ nhất, là rào cản về quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải nắm bắt được những quy định của từng thị trường và quy định với những loại hàng hoá khác nhau. Đồng thời, tuân thủ đúng hành lang pháp lý khi kinh doanh trên môi trường quốc tế.

Thứ hai, là rào cản về năng lực của doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nghiên cứu thị trường để đáp ứng đúng sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài; chưa đủ các kỹ năng, kiến thức về marketing trong TMĐT xuyên biên giới; chưa có đội ngũ chuyên nghiệp xây dựng định hướng và chiến lược kinh doanh dài hạn.

Thứ ba, là rào cản về chi phí để tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh các chi phí sản xuất, phân phối thông thường còn có các chi phí về marketing, chi phí vận tải, chi phí lưu kho… Tuy nhiên, với các doanh nghiệp có nguồn lực mạnh và đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới, có thể tối ưu các chi phí này. Đối với các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm nên có tư vấn từ các chuyên gia trong ngành hoặc một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.

Thứ tư, là rào cản về vấn đề logistics. Doanh nghiệp cần nắm rõ quy trình vận hành logistics trong TMĐT xuyên biên giới, phương án bảo quản hàng hoá hiệu quả, tính toán được phương án logistics tối ưu, chi phí thấp để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất.

Cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng

Báo cáo của Amazon cho biết, 80% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu; 81% doanh nghiệp thừa nhận chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.

Câu chuyện làm sao để bắt đầu bán hàng trên sàn TMĐT cũng như thâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU,… cũng được rất nhiều các doanh nghiệp quan tâm. Tại một hội nghị diễn ra mới đây về TMĐT xuyên biên giới, bà Nguyễn Hoàng Việt Trang - Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Bà Trang đưa ra một ví dụ cụ thể, với các doanh nghiệp may mặc, cần tìm hiểu kỹ thị hiếu của người Mỹ, họ thường chuộng các sản phẩm đơn giản, không cầu kỳ (ít chi tiết ren, bèo nhún…) và chú trọng chất lượng vải, đường may…

Thứ hai là cần xem xét yêu cầu ngành hàng, sản phẩm, lợi điểm bán hàng khi lựa chọn. Ví dụ các đồ handmade, thú bông móc bằng tay của Việt Nam đang được ưa chuộng tại thị trường này. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cần hết sức chú ý yếu tố an toàn sản phẩm do phía Mỹ có những yêu cầu an toàn nghiêm ngặt về sản phẩm cho trẻ em.

Theo Bộ Công Thương, thống kê cho thấy, năm 2022, đã có 1.300 doanh nghiệp diện siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam được tham gia các lớp đào tạo tập huấn với rất nhiều kiến thức nền tảng về TMĐT và TMĐT toàn cầu.

Cụ thể, từ lựa chọn sản phẩm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn nào cho phù hợp với thị trường; cách thức vận chuyển – logistics xuyên biên giới có gì khác biệt so với vận chuyển nội địa; hợp đồng giao dịch trực tuyến, chuyển phí cho bên trung gian có yếu tố ngoại… Qua đó, doanh nghiệp không chỉ có gian hàng cố định trên Amazon, Alibaba mà còn trở thành động lực phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào việc nâng cao năng lực ứng dụng và phát triển TMĐT, nhất là TMĐT xuyên biên giới. Điều này nhằm tạo ra môi trường thương mại điện tử mạnh mẽ và linh hoạt, thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng Việt và mở rộng thị trường thông qua nền tảng thương mại điện tử.

M.H (tổng hợp)


Most Recent Bài viết


Search All Bài viết

Member Area

Search this Site
Contents
 

Contact Us!

If you cannot find what you require in this website please feel free to contact us. Click here to send us a message   >>>

 

 

Upcoming Events